Hủy
Công Nghệ

Bphone "đi đường tắt" qua Ngoại hạng Anh

Huy Vũ Thứ Hai | 13/11/2017 15:00

BKAV lại tiếp tục gây bất ngờ khi chạy quảng cáo Bphone ở giữa trận đấu giữa Stoke City và Leister City trong khuôn khổ Ngoại hạng Anh.
 

→Bphone tái xuất: Liệu sẽ thành công?

Mới đây, BKAV lại tiếp tục gây bất ngờ cho người sử dụng khi xuất hiện mẫu quảng cáo về Bphone ở giữa trận đấu giữa Stoke City và Leister City trong khuôn khổ Ngoại hạng Anh, giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh. BKAV quả là một doanh nghiệp rất giỏi trong việc tạo ra sức hút cho dòng điện thoại Bphone dù hiệu quả kinh doanh của sản phẩm này ở Việt Nam vẫn còn là một ẩn số.

Đáng đồng tiền

Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Điều hành BKAV là người nổi tiếng bởi có nhiều phát ngôn gây sốc trong giới công nghệ nhưng phải công nhận lần này là một quyết định hợp lý với chiến lược của BPhone. Ngay từ ngày đầu ra mắt Bphone, ông Quảng xác định rất rõ rằng phải tấn công vào phân khúc cao cấp và cận cao cấp để đảm bảo lợi nhuận. Không chia sẻ con số cụ thể, nhưng theo lời ông Quảng, mỗi chiếc Bphone bán ra hiện nay BKAV đều phải bù lỗ.

Nhưng nếu không tấn công phân khúc này, ông Quảng cho rằng BKAV sẽ biến mất trên thị trường còn nhanh hơn nữa nếu tấn công phân khúc dưới 7 triệu đồng trước sự cạnh tranh gay gắt về giá của các hãng điện thoại, nhất là nhóm đến từ Trung Quốc.  “Nếu đạt doanh số hơn một trăm ngàn máy, chúng tôi sẽ có lãi”, ông Quảng cho biết.

Ông Quảng cũng từ chối cung cấp số lượng điện thoại Bphone thế hệ 2 được bán ra hiện nay. Quả thật, để bán được Bphone đạt doanh số như vậy, cùng với mức giá hiện nay ở Việt Nam là một nhiệm vụ rất khó trước sự tấn công của Samsung và các hãng điện thoại đến từ Trung Quốc.

Bphone
 

Không chỉ ở Việt Nam, hãy nhìn vào bối cảnh rộng hơn là Đông Nam Á, việc này cũng không dễ dàng. Cho đến nay, Philippines là quốc gia duy nhất có thị phần điện thoại của các doanh nghiệp trong nước cao hơn cả Samsung và các hãng điện thoại nước ngoài khác, hơn 40%, nhờ gia nhập thị trường từ rất sớm. Những doanh nghiệp này đưa ra các sản phẩm giá rẻ cùng các chiến dịch quảng cáo đánh mạnh vào lòng tự hào dân tộc. Nhưng thực tế, thành trì cuối cùng của Đông Nam Á cũng đang có dấu hiệu giảm thị phần trước sự tấn công của nhóm ngoại. Thống kê quý II/2017 của IDC Asia Pacific, thị phần các hãng điện thoại trong nước của Philippines là 41%, giảm 8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính vì thế, BKAV buộc phải bước ra khỏi khu vực Đông Nam Á, vươn tới các thị trường mở hơn và mức giá của Bphone không phải là quá cao. Không riêng BKAV, một hãng điện thoại Việt khác là Mobiistar cũng dò dẫm tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác. Cũng không loại trừ lý do “bụt chùa nhà không thiêng”, BKAV buộc phải xây dựng thương hiệu ở các nước phát triển rồi quay trở lại thị trường trong nước.

Rồi đến đâu?

BKAV không phải là công ty đầu tiên của Việt Nam quảng cáo ở giải bóng đá nổi tiếng của thế giới. Trước đó, bầu Đức từng quảng cáo Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai trên sân Emirates của Arsenal. Tôn Đông Á và Điện Quang cũng từng xuất hiện tại Giải ngoại hạng Anh hay Điện Quang với các quảng cáo được phát toàn cầu.

Dù khó khăn về đăng ký và chi phí chắc chắn không nhỏ nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn muốn xuất hiện tại sân cỏ Premier League. Theo một số chuyên gia thương hiệu, đây là cách quảng bá thông minh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu thế giới. Mùa bóng 2016/17 của Premier League, có tổng cộng 13,6 triệu lượt khán giả đến sân dự 380 trận đấu, với 1/4 số đội có lượng khán giả trung bình vượt trên 50.000 khán giả. Chưa kể số khán giả toàn cầu theo dõi giải đấu hấp dẫn này.

Tất nhiên, không hẳn số khán giả này là khách hàng tiềm năng của Bphone. Nhưng một mặt, ở trong nước, mua quảng cáo tại nước ngoài cũng giúp các thương hiệu này trở thành tâm điểm của truyền thông, của những người Việt Nam hâm mộ các đội bóng Anh. Mặt khác, xuất hiện tại giải đấu danh giá trên thế giới cũng giúp định vị thương hiệu cao cấp và tầm vóc của thương hiệu rõ nét hơn.

Trong giới công nghệ, các công ty Trung Quốc như Haier, Huawei, Oppo hay Lenovo đã làm từ rất lâu và cũng gặt hái nhiều thành công. Chẳng hạn, năm 2013, Huawei ra dòng sản phẩm Honor và định nghĩa đây là một thương hiệu độc lập tấn công vào thị trường châu Âu.

Theo chuyên gia phân tích Daniel Gleeson của hãng IHS, mục đích là để tránh việc người sử dụng ở các nước phương Tây nhận thức không tốt về chất lượng của các sản phẩm giá rẻ ở Trung Quốc. Hiện nay, doanh thu điện thoại Huawei ở châu Âu nửa đầu năm 2017 tăng hơn 50%, còn nhanh hơn cả thị trường mới nổi. Còn theo số liệu quý II của Công ty Nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, Huawei tạm thời vượt qua Apple trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới.

Để quảng bá, Huawei bắt tay với hàng loạt đội bóng lớn ở châu Âu từ Arsenal (Anh), Paris Saint-Germain (Pháp), Atlético de Madrid (Tây Ban Nha)... Khi có được sự thành công nhất định ở các nước phát triển, Huawei bắt đầu đưa ngược các sản phẩm này trở về thị trường châu Á để xóa nhòa những hoài nghi về tính bảo mật của sản phẩm.

Cũng phải nói thêm, trong thời gian đó, Huawei rất tích cực đăng ký bằng sáng chế. Hơn một năm sau khi ra mắt Honor, Huawei đã dẫn đầu danh sách các tập đoàn có đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác sáng chế của WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) với hơn 3.400 đăng ký. Bởi Huawei hiểu rất rõ, việc thiếu các bằng sáng chế quan trọng có thể khiến họ bị đối thủ kiện tới cùng ở các nước phát triển.

Hay trước khi thiết lập 13 nhà máy ở nước ngoài, Haier cũng quyết định tấn công thị trường Mỹ và xây dựng thương hiệu tại thị trường này trước tiên với quan điểm “nếu được thị trường hàng đầu như Mỹ chấp nhận cũng sẽ được cả thế giới chấp nhận”.

Chiến lược này dường như cũng được một số công ty Việt Nam áp dụng như TH True Milk xuất khẩu 5 sản phẩm nước uống sang thị trường Mỹ, Vinamilk đầu tư nhà máy sản xuất tại Mỹ...

Rõ ràng nếu tiến hành bài bản, BKAV hoàn toàn có thể tạo tiếng vang trên đất khách. Đại diện BKAV từ chối trả lời những câu hỏi về các chiến dịch quảng cáo trong thời gian tới, tổng kinh phí đầu tư, dòng sản phẩm chủ đạo cũng như kênh bán hàng chính. Nhưng có thể thấy, đầu tư các quảng cáo đẳng cấp tại nước ngoài có thể lại là một phương án tiết kiệm thời gian và tiền bạc để xây dựng một thương hiệu smartphone từ con số 0.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới