Hủy
Công Nghệ

Chính sách thông minh trong thành phố thông minh

Hà Cúc Chủ Nhật | 26/11/2017 14:00

lộ trình xây dựng những đô thị thông minh như TP.HCM nên tập trung những giải pháp mang lại lợi ích tức thì cho người dân.
 

The Economist vừa công bố “Chỉ số các thành phố an toàn 2017”, báo cáo đánh giá 49 tiêu chí khác nhau về an ninh trong các lĩnh vực kỹ thuật số, sức khỏe, hạ tầng và cá nhân để xếp hạng 60 đại đô thị. Trong 10 thành phố an toàn nhất thế giới, có 6 cái tên của châu Á - Thái Bình Dương, đứng đầu là Tokyo, Singapore và Osaka. 4 thành phố cuối bảng là Jakarta (Indonesia), Dhaka (Bangladesh), Yangon (Myanmar) và Karachi (Pakistan).

Nhiều tiêu chí tụt hạng

Các thành phố thuộc nhóm an toàn nhất là nơi có chăm sóc sức khỏe tốt nhất, hạ tầng vận tải công cộng thuận tiện và giá bất động sản cực kỳ cao. Đối lập lại, những đô thị cuối bảng hầu hết nằm ở các nước đang phát triển và quá tải về dân số. Bản báo cáo có đoạn viết rằng kết quả của cuộc nghiên cứu “một lần nữa cho thấy hố sâu ngăn cách về đẳng cấp an toàn giữa thế giới đang phát triển có mức đô thị hóa nhanh chóng và thế giới đã phát triển giờ đây đang trì trệ”.

Chinh sach thong minh trong thanh pho thong minh
 

TP.HCM bị xếp hạng rất thấp về tiêu chí an ninh kỹ thuật số và an ninh cá nhân. An ninh kỹ thuật số liên quan đến các công nghệ “thành phố thông minh” và việc bảo vệ các công nghệ đó. Theo báo cáo, 4 trong 5 thành phố của nhóm kém nhất là những nơi có thu nhập thấp. Các thành phố này thường còn yếu kém về công nghệ. Bên cạnh đó, do phải đối phó với các thách thức khác như bệnh truyền nhiễm và nghèo đói, các thành phố này càng coi an ninh kỹ thuật số là hạng mục ít ưu tiên.

Tại Hội nghị thường niên Hiệp hội các Khu công viên khoa học châu Á lần thứ 21 năm 2017 (ASPA 21) diễn ra ở TP.HCM mới đây, Giáo sư David Ogden Dapice, Đại học Harvard, nhắc đến việc TP.HCM được xếp thứ 96 trong tổng số 120 thành phố có chất lượng sống trên thế giới trong một khảo sát gần đây. Các yếu tố để đánh giá trong bảng xếp hạng này gồm khả năng thu hút vốn, thu hút nhân tài, chính sách hỗ trợ...

Ông dự báo nếu tiếp tục tình hình hiện nay, TP.HCM vẫn sẽ nằm trong nhóm cuối về xếp hạng trong số 120 thành phố đáng sống trên thế giới và vẫn thuộc nhóm đó cho tới năm 2025. Vị giáo sư này cho rằng muốn xây dựng một thành phố thông minh (Smart City) cần một phương pháp quản trị tốt từ chính quyền. “Chúng ta đang muốn TP.HCM phát triển, trở thành thỏi nam châm để hút các mục tiêu mong muốn nhưng nguồn lực để đầu tư của Thành phố lại đang bị phân tán, dùng để tái phân bổ lại cho các địa phương khác”, Giáo sư phân tích.

Hiện nay, TP.HCM có nguồn nhân lực công nghệ thông tin lớn nhất cả nước. Thậm chí một số lĩnh vực của Thành phố đã có mặt trên bản đồ thế giới như vi mạch, phần mềm. Nhiều người tin rằng TP.HCM có thể sẽ trở thành thung lũng Silicon tiếp theo khi hàng loạt dự án công nghệ lớn xuất hiện tại đây. Từ tháng 10, Thành phố bắt đầu thực hiện Đề án xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh, thí điểm ở một số quận, huyện... Theo đó, TP.HCM đặt ra mục tiêu trong vòng 10 năm tới sẽ trở thành một “thành phố thông minh”.

Chinh sach thong minh trong thanh pho thong minh
 

Nhưng 2 vị trí tụt hạng trên cho thấy TP.HCM đang có những vấn đề riêng trong việc trở thành một đô thị hiện đại, chứ chưa nói đến đô thị thông minh. Có thể thấy, dù các chỉ số an toàn, chất lượng sống hay thông minh dù có những tiêu chí khác nhau nhưng lại có điểm tương đồng. Chúng cho thấy, TP.HCM khó xây dựng thành phố thông minh khi còn kẹt xe, ngập nước, thực phẩm không an toàn, trộm cắp, cướp giật... Cũng khó trở thành thành phố có chất lượng sống tốt nếu người dân và doanh nghiệp vẫn trầy trật với đủ loại thủ tục hành chính, từ y tế, bảo hiểm đến kinh doanh...

Rõ ràng, có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Chẳng hạn, tốc độ đô thị hóa trung bình tại Thành phố hằng năm vào khoảng 5%. Tỉ lệ tăng dân số bình quân 4%, trong điều kiện quỹ đất dành cho cơ sở hạ tầng giao thông chỉ có 5% và quỹ đất dành cho giao thông tĩnh dưới 0,5%... Khó có thể xây dựng hạ tầng cho một thành phố thông minh với tầm nhìn quy hoạch như vậy.

TP.HCM có 10 triệu người đang làm việc và sinh sống, với một hạ tầng lạc hậu, thì xây dựng thành phố thông minh như một giải pháp “đi tắt” để làm thành phố này trở thành nơi đáng sống. Tuy nhiên, tại diễn đàn “Kinh tế số hóa quốc tế - Thế giới không chờ chúng ta”, một số chuyên gia cảnh báo Việt Nam đang thụt lùi về kinh tế số hóa.

Nền kinh tế số hóa

Cụ thể, theo thống kê của Đại học Wharton năm 2015, nền kinh tế số của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh, dẫn đầu trong 6 nước lớn khu vực Đông Nam Á (Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan) về tuyển dụng công việc liên quan đến lập trình phần mềm điện thoại di động. Nghiên cứu của Đại học Tufts, Mỹ cho thấy chỉ số ICT index của Việt Nam năm 2014 đứng thứ 90, nhưng đến năm 2015, con số này tụt xuống 114 và năm 2016 là 115.

Mặc dù Việt Nam đang nói rất nhiều đến cách mạng 4.0 nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chưa áp dụng triệt để khoa học công nghệ tiên tiến nên hiệu suất làm việc rất thấp mặc dù họ chiếm tới trên 90% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Chỉ khoảng 50% nhân sự nhóm công ty trên đóng góp vào nền kinh tế đất nước, trong khi con số này ở các nước phát triển là trên 50%, có nước đạt trên 80%.

Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp vẫn còn ngần ngại ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất. Khảo sát của Google cho thấy có tới 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn đang lúng túng “không biết lên mạng để làm gì”.

Chinh sach thong minh trong thanh pho thong minh
Mô hình thành phố thông minh của Dubai

Giải pháp là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh tự động hóa nhằm giảm chi phí từ đó giúp sản phẩm dễ dàng cạnh tranh, tiếp cận khách hàng trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, chính phủ cần có một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi như giảm thuế nhằm giúp các công ty trong nước thống lĩnh thị trường nội địa.

Nhiều dự báo cho thấy, trong 4 năm tới tại Việt Nam, số người sử dụng internet tăng 10%, số người sử dụng mạng xã hội tăng 25%, số người dùng smartphone tăng 5% và số người sử dụng internet trên smartphone tăng 21%. Việc gia tăng về số lượng người sử dụng smartphone và internet sẽ hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế số hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế đó, số người tạo ra giá trị gia tăng trên internet phải nhiều hơn số người lướt Facebook giải trí. Trong nền kinh tế đó, người dân và doanh nghiệp có thể kết nối với các cơ quan công quyền đã được tự động hóa. Bước đi ban đầu cho viễn cảnh đó đơn giản chỉ cần sớm có một chữ ký số chung cho các cấp chính quyền để đơn giản hóa quá trình xin giấy phép, cắt bớt thời gian xin giấy phép cho doanh nghiệp...

Chinh sach thong minh trong thanh pho thong minh
 

Chẳng hạn, mục tiêu xây dựng những thành phố thông minh của Dubai là để chuyển đổi nền kinh tế, biến những nền kinh tế dựa vào dầu mỏ chạy một động lực mới dựa trên công nghệ.

Chiến lược xây dựng thành phố thông minh của Dubai theo hướng “hái trái ngọt từ thấp đến cao”. Nghĩa là tầm nhìn và tham vọng vô cùng lớn nhưng lộ trình thực hiện ưu tiên triển khai những lĩnh vực mang lại lợi ích ngay tức khắc. Nếu nói về đô thị thông minh Dubai, người ta có thể cảm nhận được ở ngay các giao dịch hành chính. Hầu như mọi thủ tục hành chính hiện nay đều có thể thực hiện qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Có lẽ, lộ trình xây dựng những đô thị thông minh như TP.HCM cũng nên đi từ thấp đến cao, nghĩa là thay vì vẽ ra những ước mơ xa vời, nên tập trung những giải pháp mang lại lợi ích tức thì cho người dân và doanh nghiệp từ những cải cách nhỏ.

Mô hình thành phố thông minh của Qualcomm:


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới