Hủy
Công Nghệ

Đại học thông minh: Đích đến cho việc phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo giáo dục bậc cao

Minh Duy Thứ Bảy | 20/11/2021 11:30

Hệ thống QR code tích hợp đặt phòng, mượn sách tại UEH Smart Library. Ảnh: TL.

Trường hợp Trường Đại học Kinh tế TP. HCM và giải pháp cho các đại học tại Việt Nam.
 

Đánh giá hiện trạng triển khai các thành phần ĐHTM hiện có tại Trường Đại học Kinh tế TP. HCM - UEH theo mô hình V-SMARTH, UEH được xếp vào nhóm các trường đại học sẵn sàng thông minh trong quá trình chuyển đổi từ đại học truyền thống sang ĐHTM thông qua một lượng lớn tỉ lệ giảng viên, cán bộ quản lý tham gia vào quá trình chuyển đổi số, một phần các hoạt động đã được tiêu chuẩn hóa, một số ít đã được định lượng hóa. Kinh nghiệm và thực tiễn triển khai của UEH đã được TS. Bùi Quang Hùng - Phó hiệu trưởng UEH chia sẻ chi tiết.

* Thưa TS. Bùi Quang Hùng, ông có thể cho biết thực trạng triển khai đại học thông minh tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM trong thời gian qua như thế nào?

Có thể nói việc chuyển đổi số tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM được triển khai từ rất sớm, cách đây hơn 10 năm. Đến giờ, Trường có khoảng hơn 60 ứng dụng trong tất cả các hoạt động từ giảng dạy, nghiên cứu và quản trị của nhà trường cũng như những chiến dịch chuyển đổi số phục vụ cho cộng đồng.

Hệ thống Way Finding tại các cơ sở UEH (Hệ thống chỉ dẫn thông minh đến các Giảng đường, Phòng, Ban chức năng và các tuyến xe bus gần nhất).
Hệ thống Way Finding tại các cơ sở UEH (Hệ thống chỉ dẫn thông minh đến các Giảng đường, Phòng, Ban chức năng và các tuyến xe bus gần nhất).

Ưu tiên trong giai đoạn 5 năm tới, Trường cũng hướng theo các thành phần của đại học thông minh. Đó là phát triển nền tảng công nghệ số theo hướng bền vững; Thứ hai là phát triển truyền thông kỹ thuật số; Thứ ba là tăng cường trải nghiệm môi trường học tập tại Trường; Thứ tư là nâng cấp hỗ trợ kỹ thuật số trong quản lý, dạy và học; Thứ năm là thúc đẩy quản lý nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và AI; Cuối cùng là phát triển các mối quan hệ cộng đồng. Đơn cử, vừa rồi nhà trường đã có hoạt động hỗ trợ các trường trung học phổ thông thực hiện chuyển đổi số trong dạy và học trong bối cảnh COVID-19.

* Có thể thấy, đại học thông minh chính là đích đến cho việc phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo giáo dục bậc cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Từ những kinh nghiệm đúc kết triển khai tại đơn vị mình, theo ông đề xuất những giải pháp gì hướng đến đại học thông minh tại Việt Nam.

Theo quan điểm cá nhân, tôi có một số giải pháp.

Thứ nhất, ở góc độ cơ quan quản lý, mình nói rất nhiều về đại học thông minh, những bộ chỉ số hay khuôn mẫu cho một đại học thông minh như thế nào thì chưa có, chưa hoàn chỉnh. Bởi vì đây là cơ sở quan trọng để nhà nước có những mức độ đầu tư nhất định cho các trường đại học, đặc biệt là các đại học công lập đang thực hiện chuyển đổi số.  

Thứ hai, như chúng ta đã biết, trong chuyển đổi số thì có ứng dụng công nghệ. Kinh phí cho việc này là công việc đầu tư chứ không phải là việc chi hàng năm. Do đó, nó cần kinh phí rất lớn. Việc này sẽ cần có phần đầu tư của nhà nước, cơ chế xã hội hóa trong việc chuyển đổi số ở trường đại học.

Thứ ba, theo tôi rất quan trọng, đó là vai trò của nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, các nhà quản lý trong việc thực hiện chuyển đổi số. Nhất là vai trò của người lãnh đạo cấp cao trong việc truyền cảm hứng, chia sẻ tầm nhìn, sự dẫn dắt cũng như hỗ trợ các thành viên nhà trường trong thực hiện chuyển đổi số. Bởi, như đã nói ở trên, việc chuyển đổi số trong trường đại học thì vấn đề công nghệ không quan trọng, yếu tố “mềm” hơn là vấn đề con người mới là quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số.

Thứ tư, cần phải có chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số. Cần nhấn mạnh là mình phải có sự tiếp cận đúng ngay từ đầu để không lãng phí thời gian trong quá trình tiếp cận, trong đầu tư về kinh phí. Quan điểm của mình là cái gì đơn giản làm trước, cái gì phức tạp làm sau, bởi vì quá trình chuyển đổi số cần có thời gian, rất cần sự đồng thuận tăng dần của đội ngũ trong trường đại học.

TS. Bùi Quang Hùng. Ảnh: UEH
TS. Bùi Quang Hùng. Ảnh: UEH

Thứ năm, cần có công tác truyền thông nội bộ cũng rất quan trọng, vì nó quyết định nhận thức, sự chủ động sự đồng lòng của toàn bộ đội ngũ nhân sự chấp nhận, đồng thuận sẵn sàng với sự thay đổi liên quan đến chuyển đổi số.

Thứ sáu, cùng với quá trình chuyển đổi số, nhà trường phải xây dựng, áp dụng một mô hình quản trị đại học hiện đại.

Cuối cùng, liên quan đến chuyển đổi số là liên quan đến tính bảo mật những rủi ro, liên quan đến quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin. Đây cũng là vấn đề mà các trường đại học khi chuyển đổi số cũng cần lưu ý.

Như vậy, việc tích lũy và trải qua quá trình tái cấu trúc để trở thành ĐHTM được xem là quá trình tất yếu mà các đại học sẽ phải trải qua trong tương lai. Hiện nay, đang có nhiều cơ hội phát triển ĐHTM tại Việt Nam như quan điểm chỉ đạo kịp thời và đúng đắn của Nhà nước đối với việc chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học, nguồn lực con người tại các cơ sở giáo dục đại học hay những điểm mạnh về ứng dụng công nghệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ trong công tác lãnh đạo, xây dựng chiến lược, sự đồng thuận chấp nhận thay đổi của đội ngũ nhân viên, vấn đề an toàn thông tin và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến kinh phí để chuyển đổi.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới