EU đầu tư 49 tỉ USD vào chip, góp phần kiến tạo sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen tiết lộ kế hoạch sản xuất vi mạch và loại bỏ sự phụ thuộc vào thị trường châu Á. Ảnh: Virginia Mayo / EPA
Liên minh châu Âu đã công bố kế hoạch 43 tỉ euro (48 tỉ USD) để khắc phục tình trạng phụ thuộc vào các nhà sản xuất chip máy tính châu Á, trong khi các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu mà các chuyên gia tin rằng có thể kéo dài trong nhiều năm.
Với việc người tiêu dùng phải đợi hàng tháng trời để mua ô tô, máy rửa bát và các đồ dùng khác do thiếu chip, kế hoạch của khối EU đánh dấu một trong những bước phát triển quan trọng nhất được xem là kết quả của những thay đổi kiến tạo trong nền kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Von der Leyen cho biết kế hoạch này tập hợp các quỹ công và tư, đồng thời cho phép viện trợ của nhà nước thu được các khoản đầu tư khổng lồ ngay từ ban đầu. Kế hoạch vẫn cần sự hậu thuẫn của quốc hội EU và các nước thành viên. Động thái của EU phản ánh nỗ lực đầu tư 52 tỉ USD của Tổng thống Joe Biden vào lĩnh vực sản xuất chip quốc gia, nhằm cải thiện khối lượng sản xuất ở Hoa Kỳ.
Ông Per Hong, đối tác và chuyên gia về chuỗi cung ứng của công ty tư vấn Mỹ Kearney, cho biết sự gián đoạn có thể kéo dài trong nhiều tháng vì biến chủng Omicron vẫn đang tác động rất lớn đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Tác động đặc biệt được nhận thấy ở trung tâm sản xuất Chiết Giang, nơi có cảng hàng hóa lớn nhất thế giới, Ninh Ba. Các nhà chức trách đã cách ly hàng chục nghìn cư dân và phong tỏa các bến tàu cũng như đình chỉ hoạt động, buộc các tàu phải đổi hướng lại. Tại Tây An, Samsung đã phải ngưng hoạt động nhà máy sản xuất chất bán dẫn của mình, nhân viên nhà máy bị phong tỏa hoàn toàn trong ba tuần vào tháng Giêng chưa kể kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán sau đó.
Cảng hàng hóa Ninh Ba, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Các nhà quản lý chuỗi cung ứng đã luôn thành thạo trong việc điều chỉnh các thảm họa thiên nhiên bất ngờ như bão và hỏa hoạn, nhưng hậu quả của đại dịch đã vượt xa khả năng dự phòng và xử lý của họ.
Những thay đổi về địa chính trị, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và biến đổi khí hậu đã làm mọi thứ thêm chồng chất và khiến các công ty hàng đầu - cũng như các chính phủ đang đối phó với cuộc khủng hoảng chip máy tính - phải suy nghĩ lại về cách kinh doanh.
Cùng với sự chậm trễ đối với các sản phẩm và nguyên vật liệu chủ chốt, các doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt lao động do virus không ngừng hoành hành cũng như các đợt ngưng hoạt động của xưởng và nhà máy, cũng như lạm phát chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Tại Mỹ, Harley Davidson cho biết khách hàng của họ sẽ phải chịu gánh nặng của việc tăng giá linh kiện, và Starbucks cho biết họ đã tăng giá lần thứ ba kể từ tháng 10, trong khi chi nhánh vận chuyển hàng không của FedEx đang quá tải vì các doanh nghiệp cố tìm cách giải quyết tình trạng tắc nghẽn.
Ở châu Âu, công ty tư nhân lớn nhất của Vương quốc Anh, siêu thị Tesco, cho biết lạm phát thực phẩm sẽ đạt 5% vào mùa xuân này do nguồn cung thắt chặt hơn, giá bia tăng do “vòng luẩn quẩn” của chi phí, và nhà sản xuất xe tải Iveco thì gặp các vấn đề kéo dài về nguồn cung.
Tại Úc, các nhà phân tích tại ngân hàng Commonwealth cho biết sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid gây ra và tình trạng thiếu lao động liên tục là nguyên nhân dẫn đến áp lực giá đối với các doanh nghiệp, làm suy yếu niềm tin kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm:
Vốn hóa thị trường Facebook giảm dưới 600 tỉ USD nhưng Mark Zuckerberg lại "thở phào"
Nguồn The Guardian
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư