Hủy
Công Nghệ

Một trường đại học ở Hàn Quốc muốn biến AI thành vũ khí

Huy Khang Thứ Sáu | 06/04/2018 11:30

The Verge

Và tất nhiên, kế hoạch này bị rất nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo và công nghệ robot đã cùng nhau tẩy chay.
 

Theo The Verge, hơn 50 chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI) và công nghệ robot đã cùng nhau tẩy chay trường đại học KAIST (Korea Advanced Institute of Science and Technology - Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc) do trường này đang có kế hoạch phát triển vũ khí dựa trên AI. Động thái này được đưa ra trước thềm hội nghị của Liên Hiệp Quốc diễn ra vào tuần sau tại Geneva nhằm thảo luận về hạn chế trên quy mô quốc tế về công nghệ “robot giết người”, đánh dấu một bước ngoặt mới trong việc đấu kiểm soát vũ khí công nghệ cao của giới khoa học.

Lời kêu gọi tẩy chay được khởi xướng bởi giáo sư Toby Walsh tại Đại học New South Wales và ông đã đưa ra cảnh báo rằng cuộc chạy đua vũ khí tự động đã chính thức bắt đầu từ lâu: “Chúng ta có thể thấy những nguyên mẫu vũ khí tự động đang được phát triển hiện nay bởi nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga và Anh. Chúng ta đang dính vào một cuộc chạy đua vũ trang mà không ai muốn xảy ra. Hành động của Đại học KAIST sẽ đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang này. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra.”

Danh sách những người ký tên ủng hộ lời kêu gọi tẩy chay có nhiều gương mặt nổi tiếng trong giới AI toàn cầu, bao gồm cả giáo sư Geoffrey Hinton, Yoshua Bengio, và Jürgen Schmidhuber. Lệnh tẩy chay này sẽ ngăn chặn mọi liên hệ và hợp tác giữa Đại học KAIST với phần còn lại của thế giới cho tới khi nào họ đảm bảo được rằng các loại công nghệ vũ khí mà họ phát triển “có sự kiểm soát đầy đủ của con người”.

Trên thực tế, động thái dữ dội của giới khoa học bắt đầu nổ ra khi Đại học KAIST hồi tháng 2 tuyên bố kế hoạch hợp tác nghiên cứu với công ty quốc phòng Hàn Quốc Hanwha (công ty sản xuất động cơ máy bay và vũ khí quân sự từng được thành lập và sở hữu bởi Samsung) nhằm “phát triển công nghệ AI để ứng dụng cho vũ khí quân sự với khả năng tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu mà không có sự điều khiển của con người”.

Phản ứng trước lời kêu gọi nói trên, chủ tịch Sung-Chul Shin của Đại học KAIST cho biết ông “cực kỳ buồn” về lời đe dọa và phủ nhận thông tin họ đang phát triển các loại vũ khí tự động: “Trên cương vị là một học viện hàn lâm, chúng ta trân trọng quyền con người và các tiêu chuẩn đạo đức ở mức độ cao nhất. KAIST sẽ không tiến hành bất cứ hoạt động nghiên cứu nào chống lại nhân phẩm, bao gồm các loại vũ khí tự động không có sự kiểm soát hữu hiệu của con người.”

Đó là nhận định từ phía Đại học KAIST và sắp tới, họ cần phải trả lời nhiều câu hỏi của nhóm Walsh trước khi lệnh tẩy chay được áp dụng chính thức. Trên thực tế, mối hợp tác giữa KAIST và Hanwha đã đưa cả 2 lên vị trí dẫn đầu trong công nghệ robot và quân đội. Thêm một thông tin khác, Đại học KAIST trước giờ được đánh giá là một trong những Đại học hàng đầu thế giới về công nghệ robot cùng nhiều lĩnh vực khác và hồi năm 2015, họ đã thắng cuộc thi robot do Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến DARPA thuộc bộ quốc phòng Mỹ tổ chức với con robot biến hình DRC-HUBO.

Mot truong dai hoc o Han Quoc muon bien AI thanh vu khi
Robot DRC-HUBO của KAIST

Trong khi đó, Hanwha Systems là một công ty vũ khí nổi tiếng, trực thuộc siêu tập đoàn quyền lực của Hàn Quốc là Hanwha. Hiện tập đoàn này đã tham gia vào nhiều dự án phát triển vũ khí tự động, bao gồm cả hệ thống súng canh gác SGR-A1, được cho là đã bố trí tại biên giới liên triều. Công ty này còn được báo cáo là đã phát triển nhiều loại bom, đạn chùm bị cấm bởi các hiệp ước quốc tế.

Kỳ thực, mặc dù lời kêu gọi tẩy chay là một động thái khá mạnh mẽ của giới khoa học đối với Đại học KAIST nhưng có ý kiến cho rằng điều đó sẽ không gây ra tác động đủ mạnh để kiểm soát sự phát triển của vũ khí tự động. Và đây không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu lên tiếng và có động thái trực tiếp xoay quanh mối lo ngại về vũ khí AI. Còn nhớ cách đây không lâu, cộng đồng khoa học cũng đã viết văn bản gởi lên Liên Hiệp Quốc nhằm chỉ ra mối đe dọa từ vũ khí tự động tới nhân loại, đồng thời kêu gọi có một hiệp ước quốc tế cho vấn đề này.

Ý tưởng đã được ủng hộ bởi 10 quốc gia bao gồm cả Ai Cập, Argentina và Pakistan. Tuy nhiên cũng có một số quốc gia như Mỹ hay Anh cho rằng một đạo luật như vậy là không thực tế bởi rất khó để xác định khái niệm “sự kiểm soát hữu hiệu của con người”. Hiện tại đã có rất nhiều hệ thống vũ khí có khả năng tự động, điển hình như máy bay không người lái hoặc các hệ thống phòng thủ tên lửa. Và theo nhóm của giáo sư Walsh, điều này chính là một mối đe dọa tới nhân loại bởi “vũ khí tự động sẽ cho phép các cuộc chiến tranh được xảy ra nhanh hơn với quy mô lớn hơn bao giờ hết. Chiếc hộp Pandora nếu mở ra sẽ rất khó để đóng lại”.

Nguồn The Verge


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới