Hủy
Công Nghệ

Những thương vụ M&A diễn ra sôi nổi nhờ sự bùng nổ A.I

Khánh Tú Thứ Hai | 31/07/2023 16:38

A.I là động lực định hình lại bối cảnh đầu tư của ngành công nghệ hiện nay. Ảnh: FT.

 
 
Vì không muốn chậm chân trong cuộc đua A.I, các "ông lớn" ngành công nghệ lựa chọn thâu tóm startup A.I bằng những thương vụ M&A.

Sự ra đời của “Generative A.I” (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) đã làm dấy lên cuộc đua chiếm lĩnh thị trường của các công ty công nghệ. A.I hiện là lĩnh vực thâm dụng vốn nhất trong các khoản đầu tư toàn cầu. Để đáp ứng nhu cầu cao như chi phí phát triển, đào tạo và vận hành cùng với tâm lý không muốn bị bỏ lại phía sau, nhiều công ty đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch M&A với các startup A.I tiềm năng.

M&A sôi nổi

Tháng 6/2023, “gã khổng lồ” ngành tài chính Thomson Reuters được cho là đang trong quá trình đàm phán chi trả 650 triệu USD với mục đích thâu tóm Casetext, một startup A.I chuyên về các dịch vụ pháp lý. Theo người đại diện của Thomson Reuters, việc các luật sư của Casetext ứng dụng chatbot GPT-4 để giải quyết công việc thông qua các kết quả gợi ý từ hệ thống, chính là lý do thúc đẩy tập đoàn thực hiện thương vụ mua lại trên.

 

Đầu tháng 7/2023, Công ty Phần mềm Doanh nghiệp Databricks đã hoàn thành thương vụ mua lại startup A.I tạo sinh MosaicML với giá 1,3 tỉ USD. Mosaic là đơn vị chuyên cung cấp công cụ đưa công nghệ vào hoạt động bên trong doanh nghiệp thông qua xây dựng và tinh chỉnh các mô hình bằng cách sử dụng dữ liệu nội bộ. 

Những thương vụ mua lại đã làm nổi bật tầm quan trọng của A.I tạo sinh trong hoạt động kinh doanh hiện nay của các doanh nghiệp. Số lượng thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A) ở lĩnh vực A.I đang tăng nhanh chóng, từ đó mở ra thêm nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Thời điểm chỉ vài tháng sau khi OpenAI ra mắt chatbot ChatGPT, trọng tâm của ngành công nghệ đã chuyển dịch về việc xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Tận dụng thời cơ, một loạt startup khác cũng bắt đầu hành động và tạo được tiếng vang nhất định trong ngành như Anthropic, Cohere và Inflection AI.

Song, điều cần lưu ý là trong thương vụ M&A, chỉ những công ty có thể tạo ra mô hình tạo sinh quy mô lớn có tính ứng dụng cao cho các ngành nghề cụ thể, mới được định giá cao.

Mục đích là mối quan hệ hợp tác

Mặc dù hoạt động M&A trong ngành công nghệ diễn ra sôi nổi, nhưng mục đích chính của hầu hết các doanh nghiệp là tạo dựng mối quan hệ đối tác. Do đó, giữa làn sóng M&A, đã có nhiều “ông lớn” lựa chọn rót vốn đầu tư hoặc mua cổ phần của startup thay vì thâu tóm toàn bộ.

Đầu tháng 7/2023, Salesforce đã tăng gấp đôi số tiền đầu tư vào các startup A.I lên 500 triệu USD, với tham vọng đưa A.I tạo sinh vào nhiều sản phẩm của mình. Điều khiến thị trường trở nên “nóng hơn” là ngay sau khi thông tin được phát đi, Salesforce tiếp tục đầu tư 450 triệu USD vào Anthropic.

Tương tự, “ông lớn” Oracle cũng tham gia vào cuộc đua rót vốn khi đầu tư 270 triệu USD vào công ty mô hình ngôn ngữ lớn Cohere. Oracle cho biết hoạt động hợp tác với startup nhằm phục vụ cho quá trình đưa công nghệ A.I vào các dịch vụ của công ty.

Việc thiết lập mối quan hệ đối tác thông qua các khoản đầu tư dường như là một bước đi đúng đắn của đa số doanh nghiệp. Bởi mối quan hệ này có thể mang lại quyền hạn để sử dụng các công nghệ quan trọng. Nhìn chung, thế giới công nghệ từ lâu đã hướng đến các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ như vậy để có thể nhanh chóng phát triển các công nghệ hiện đại mới.

Khoản đầu tư OpenAI đã làm lu mờ hàng loạt thương vụ M&A cũng như các khoản đầu tư khác. Ảnh: AFP.
Khoản đầu tư của Microsoft vào OpenAI đã làm lu mờ hàng loạt thương vụ M&A cũng như các khoản đầu tư khác. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là nếu các LLM trở thành trung tâm trong tương lai đối với lĩnh vực công nghệ như nhiều người kỳ vọng, liệu các doanh nghiệp lớn có hài lòng với việc thuê đơn vị bên ngoài hay không? Theo nhiều ý kiến, câu hỏi này có ý nghĩa đặc biệt đối với Microsoft. Khoản đầu tư trị giá 10 tỉ USD của “gã khổng lồ” này vào OpenAI đã làm lu mờ hàng loạt thương vụ M&A cũng như các khoản đầu tư khác trong thời điểm đó.

Ông Satya Nadella, CEO Microsoft, cho biết mối quan hệ giữa Microsoft và OpenAI là một dạng “cộng sinh”. OpenAI phụ thuộc vào nguồn vốn của Microsoft, và ngược lại, Microsoft cũng cần OpenAI để xây dựng và điều chỉnh các LLM của mình.

Từ trường hợp của Microsoft, liệu đó có phải là công thức cho sự phát triển ổn định lâu dài trên thị trường công nghệ cho các công ty?

Ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ giữa Microsoft và OpenAI cho thấy Microsoft phải phụ thuộc vào một startup để có thể sử dụng công nghệ A.I hiện đại nhất. Và hiện cũng chưa có gì để biết chính xác tham vọng của OpenAI là gì. Do đó, nhiều chuyên gia tin rằng sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu một ngày nào đó, OpenAI trở nên lớn mạnh và có đủ khả năng để cạnh tranh trực tiếp với Microsoft.

Có thể bạn quan tâm:

Thị trường lương thực toàn cầu có thể gặp "cú sốc"

Nguồn FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới