Hủy
Công Nghệ

Thịt heo, cà phê “lên mây”

Trực Thanh Thứ Tư | 04/12/2019 11:14

Thịt heo, cà phê “lên mây”. Ảnh: QH

 
 
Chuyển đổi số không còn là khẩu hiệu mà đang quyết định sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp...

Đại diện của Masan công bố việc sử dụng công nghệ blockchain để minh bạch thưởng điểm cho người mua thịt heo đã thu hút nhiều sự quan tâm. Blockchain là một công nghệ hoàn toàn mới mẻ ngay cả đối với các doanh nghiệp IT, liệu có phù hợp với một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng?

Chuyến tàu chuyển đổi số 

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi công nghệ khi bắt đầu thấy lo ngại trước sự xuất hiện của Alibaba hay Amazon. “Không chỉ riêng Masan, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam nếu không cẩn thận có khi chỉ 3-5 năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu có thể vẫn còn, khả năng sản xuất có thể vẫn còn, nhưng khả năng bán hàng sẽ mất”, ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Công nghệ thông tin của Tập đoàn Masan, cảnh báo. Trước nguy cơ này, Masan phải xây dựng mô hình kinh doanh mới mang tên New Retail trong đó sử dụng nhiều yếu tố công nghệ. 

 

Ví dụ của Masan cho thấy chuyển đổi số đang rất sát sườn. Không chỉ các ngân hàng lo số hóa với Big Data (dữ liệu lớn), sinh trắc học và cổng giao tiếp mở..., ngay cả doanh nghiệp sản xuất cũng đã đưa công nghệ vào quy trình sản xuất tưởng chừng như đơn giản nhất. Chuyển đổi số không nhằm mục đích gì khác ngoài việc giúp doanh nghiệp thay đổi, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển hơn nữa và là sự gắn kết không thể tách rời của chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi về con người. Google, Temasek cùng với đối tác Bain & Company công bố báo cáo mới nhất về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019). Theo báo cáo này, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 12 tỉ USD năm 2019 và đạt 43 tỉ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

 

Các con số này không chỉ cho thấy những cái được, mà còn cho thấy cả khả năng mất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam trước các đối thủ công nghệ mang tên thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, hay proptech... Dân số trẻ, năng động, khả năng tiếp cận công nghệ và thích những điều mới mẻ có thể trở thành động lực cho những doanh nghiệp mới, đồng thời cũng là nhân tố xóa sổ các doanh nghiệp truyền thống.

Ra khỏi vùng an toàn

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, cho biết, tỉ lệ doanh nghiệp Việt chưa bắt đầu chuyển đổi số còn khá lớn, gấp 1,5 lần so với thế giới. Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp là không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, chưa tìm được mô hình nào phù hợp với đặc thù của riêng mình; chưa tìm được đối tác đồng hành. “Nếu không bắt tay ngay, chúng ta sẽ bị loại bỏ và dần biến mất vì chậm trễ trong chuyển đổi”, ông Khoa cho biết.

Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh FPT IS, chuyển đổi số đã trải qua 3 giai đoạn: (1) chuyển dạng nguyên văn bản sang văn bản số, sử dụng máy tính, tạm gọi là quá trình tin học hóa; (2) số hóa một phần quy trình tự động làm sao làm việc hiệu quả hơn, tạm gọi là số hóa; (3) chuyển đổi số, tối ưu hóa quy trình, thậm chí thiết kế lại cả doanh nghiệp.

Trong xu hướng số hóa, các doanh nghiệp kết nối với nhau trong giá trị mới, tạo ra cơ hội trong nhiều ngành khác nhau. Hai bên chia sẻ dữ liệu, dịch vụ, khách hàng trên một nền tảng nào đó. Đại diện FPT IS gọi đó là nền kinh tế xếp tầngwtư. “Một chiếc giày có gắn chip, phần mềm, khách hàng, ứng dụng bán hàng, bộ máy phân tích dữ liệu, logistics. Tất cả những khâu này sinh ra dữ liệu, dữ liệu làm nên giá trị cho chính doanh nghiệp”, ông Sơn phân tích.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết, riêng việc số hóa bằng cách bỏ hóa đơn giấy của nhiều giao dịch, ngân hàng này  có thể tiết kiệm đến 10 tỉ đồng trong một năm. Đó là hiệu quả tức thời về mặt con số và lợi ích cho cả môi trường. Trong khi đó, Giám đốc Công nghệ thông tin của chuỗi cà phê Trung Nguyên, ông Nguyễn Thanh Đạm cho biết, từ năm 2011, Trung Nguyên đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin lớn. Sau khoảng 5-6 năm sử dụng, hệ thống bắt đầu có vấn đề, đặt ra bài toán về bảo trì, bảo dưỡng hay nâng cấp, thay mới. Sau khi cân nhắc, so sánh về chi phí, Trung Nguyên quyết định chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ.

Chìa khóa để chuyển đổi số không nằm ở những máy tính mạnh hơn, mà chủ yếu là thay đổi thái độ của con người và quy trình của tổ chức. Các doanh nghiệp sản xuất thịt heo, chế biến cà phê chịu “lên mây” (cloud) là tín hiệu đáng mừng cho hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt. Thay vì là một dự án, hay chiến dịch truyền thông, chuyển đổi số đòi hỏi sự dũng cảm, chấp nhận rủi ro, ra khỏi vùng an toàn để nhìn xa hơn và thay đổi cách vận hành truyền thống để tạo ra sức bật mạnh mẽ hơn.

►Chuyển đổi số: Bước chuyển mình của FPT?

►Chuyển đổi số: Tăng 387 tỷ USD cho GDP châu Á-Thái Bình Dương


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới