Hủy
Công Nghệ

Trần Lâm: Sinh ở Paris, nhưng Việt Nam mới là nhà

Thứ Ba | 01/09/2015 07:30

Theo Lâm cho biết, công ty khởi nghiệp Vice của anh đã được một quỹ đầu tư định giá 1 triệu USD nhờ tốc độ tăng trưởng 700% mỗi tháng.
 

Năm 25 tuổi (2009), lần đầu ngọng nghịu phát âm 2 tiếng "anh" và "em" với người yêu ở Việt Nam khơi dậy trong Trần Lâm (Việt kiều Pháp) một sự háo hức kỳ lạ. Sinh ra và lớn lên ở Paris, vốn tiếng Việt của Lâm được dạy bởi cha mẹ khiêm tốn hơn nhiều so với kho tàng tiếng Việt ở quê nhà. Tại đây, cùng một nghĩa tôi, tiếng Việt có vô vàn lựa chọn cách xưng hô như anh, em, tớ... pha trộn nhiều cung bậc cảm xúc. Với Lâm, điểm thú vị này không hề tồn tại trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Năm 2013, sự thú vị đó thôi thúc anh từ bỏ vị trí cấp cao ở Google Paris để về Việt Nam nhận chức Giám đốc Tiếp thị cho Công ty Thương mại Điện tử Tiki.vn.

Tính đến hiện tại, Lâm đã sống ở Việt Nam 4 năm. Không chỉ an cư với một ngôi nhà tại TP.HCM, anh còn khởi nghiệp với ứng dụng mua sắm trên di động Vice (vice.cool) vào cuối năm ngoái. Anh thổ lộ bằng tiếng Việt lưu loát: “Không biết tự bao giờ, tôi lại cảm nhận Việt Nam là nhà hơn cả Paris. Xây dựng Vice ở Việt Nam, tôi kỳ vọng sẽ tạo ra ứng dụng công nghệ hướng tới toàn thế giới”.

Bài học từ bơ Shea

Sau tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thương mại ở Paris (năm 2005), Lâm được tập đoàn quảng cáo TheMedias tuyển đến trụ sở chính tại New York, Mỹ. Trong 3 năm, từ vị trí thực tập với mức lương 300 USD/tháng, anh trở thành chuyên viên bán hàng giỏi nhất với thu nhập 20.000 USD/tháng. “Lúc đó là thời kỳ đầu của marketing trực tuyến nên tôi có dịp đào sâu với mô hình cost-per-click tính tiền quảng cáo theo mỗi cú click chuột. Cộng thêm với kỹ năng bán hàng tốt và thạo ngoại ngữ, tôi đem về nhiều khách hàng từ những thị trường xa như Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Đức nên mức hoa hồng mới tăng nhanh như vậy”, Lâm nhớ lại.

Nhưng sức trẻ không bằng lòng sống quá thoải mái, Lâm lại muốn dấn thân mạo hiểm. Năm 2005, qua một khách hàng, anh tình cờ biết được tình trạng khan hiếm bơ Shea, một nguồn nguyên liệu quý mà các hãng mỹ phẩm lớn ở Mỹ và Thụy Điển luôn rất cần. Thôi việc tại TheMedias vào cuối năm 2007, Lâm thành lập Công ty Solidity Trade với tham vọng trở thành nhà cung ứng bơ Shea vào Mỹ. Sau đó, một mình đến Ghana ở châu Phi, anh tìm cách kết nối với các nhà cung cấp loại bơ này. Cách trở về địa lý kèm theo hệ thống phân phối chưa bài bản khiến Lâm phải mất cả năm trời tìm cho ra nhà cung cấp đáng tin nhất. “Chuyến hàng đầu tiên đúng là chỉ sống đúng bằng niềm tin. Tôi cược sạch vốn vào dân Ghana để chờ họ gửi bơ Shea về”, Lâm kể.

20.000 kg bơ Shea đầu tiên chuyển về Mỹ nhanh chóng được tiêu thụ khắp các bang. Sau khi nắm vững nguồn hàng từ châu Phi, Lâm công nghệ hóa chuỗi cung ứng bằng hệ thống theo dõi đơn hàng qua tập đoàn vận chuyển UPS. Theo cách này, người giao hàng sẽ nắm rõ đường đi của đơn hàng qua internet, giảm thiểu sai sót, nhầm hay thất lạc hàng. Solidity Trade phát triển nhanh chóng trong 2 năm đầu hoạt động với 60.000 kg bơ Shea tiêu thụ mỗi năm.

Tuy nhiên, vì say sưa phát triển và tăng nguồn hàng, Lâm cần vay mượn nhiều từ ngân hàng để tiếp vốn. Cơn khủng hoảng năm 2008 ập xuống, dòng tiền của Solidity Trade đứt hẳn vì nhiều ngân hàng siết chặt tín dụng. Lâm đành hoạt động cầm chừng và đến năm 2011 thì anh quyết định bán Công ty.

“Đáng lẽ tôi phải hiểu sự khác biệt giữa kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh hàng hóa. Mức tăng trưởng nhanh là thành công thực sự, thậm chí tăng càng nhiều càng tốt. Nhưng tăng lượng hàng tồn kho nhanh như thế ngầm ẩn chứa rủi ro lớn trong dòng tiền và khâu quản trị. Tốc độ tăng của Solidity Trade nên được kiềm lại mới phải” Lâm chặc lưỡi tiếc nuối.

Khởi nghiệp với Vice

Cũng nhờ thất bại với bơ Shea, Lâm quay về con đường thương mại điện tử. Kể từ năm 2011 đến 2014, anh đầu quân cho Tập đoàn Google chi nhánh Paris, rồi tham gia vào các công ty khởi nghiệp (start-up) giàu tiềm năng ở Việt Nam như NhómMua.com và Tiki.vn.

Sau thời gian làm thuê này, Lâm phát hiện mô hình thương mại O2O (Online to Offline) chưa được khai thác hiệu quả tại Việt Nam. Với mô hình B2C (Business to Customer) và C2C (Customer to Customer), hàng hóa được chọn qua mạng, đóng gói rồi giao tận tay người dùng. “Nhưng B2C hay C2C hiện chỉ chiếm được khoảng 2% tổng lượng người mua sắm trong thị trường bán lẻ Việt Nam. 98% còn lại vẫn chưa từ bỏ được thói quen mua sắm tại cửa hàng. Mô hình O2O đánh vào 98% này. Các công ty O2O chỉ đóng vai trò trung gian giúp khách hàng đặt bàn hay mua hàng giảm giá. Còn khách vẫn có thể đến tận nơi để lựa chọn và tận hưởng dịch vụ”, Lâm nói.

Theo thống kê từ Nielsen (năm 2014), Việt Nam có khoảng 22 triệu người dùng điện thoại thông minh, tăng 34% so với năm 2013. Số liệu này dự báo tăng 50% trong năm tới. Bắt lấy xu hướng này, Vice là ứng dụng mua sắm qua di động theo mô hình O2O đầu tiên tại Việt Nam. “Phần đông khách hàng của Vice là nữ. Nên ứng dụng phải giản tiện nhất về khâu kỹ thuật và gọn lẹ về mặt thanh toán”, Lâm giới thiệu.

Thực tế, chỉ qua vài bước đơn giản là người dùng đã có thể đăng nhập Vice bằng Facebook, chọn mặt hàng rồi thanh toán. Sau đó, họ sẽ nhận mã hàng từ Vice để tận hưởng dịch vụ/hàng hóa tại nơi cung cấp.

Bắt đầu hoạt động từ tháng 6.2015, đến nay, lượng khách đăng ký sử dụng Vice đã đạt con số 2.500, với mức tăng gấp 5 lần mỗi tháng. Ứng dụng này hiện có gần 500 mã hàng. Đối tác cung cấp hàng cũng đã tăng lên tới 20 thương hiệu nổi tiếng, gồm L’Oréal, Chill Sky Bar hay Hard Rock Cafe. Từ số vốn ban đầu 800 triệu đồng để xây dựng Vice, Lâm đã thu hút thêm 650 triệu đồng qua 2 nhà đầu tư cá nhân khác. Theo anh, ở lần góp vốn thứ 3 vào tháng 7 vừa qua, một quỹ đầu tư đã định giá Vice ở mức 1 triệu USD nhờ tốc độ tăng trưởng 700% mỗi tháng.

Tất nhiên, bước khởi đầu khả quan của Vice vẫn chưa thể khẳng định thành công về lâu dài. Nhưng rõ ràng Lâm đã mở ra cầu nối O2O mới giữa các mặt hàng cao cấp với người dùng. “Cầu nối này vẫn còn khuyết ở rất nhiều thị trường trên thế giới”, anh bổ sung và đặt mốc trong 18 tháng tới, Vice sẽ lan rộng từ Việt Nam qua Singapore và các nước Đông Nam Á khác.

Nhìn lại hành trình cho tới hiện tại của bản thân, Lâm hài lòng nhất là cuối cùng mình cũng ngưng xê dịch. “Việt Nam khác hẳn với nhiều nơi khác tôi từng đi qua. Mỗi khi tôi rơi vào chán chường, tôi lại đi du lịch khám phá rất nhiều nơi. Nhưng khi tới Việt Nam, tôi không còn muốn đi đâu nữa, như đã tìm thấy đích cuối hành trình vậy”, anh tâm sự.

Đoàn Hoa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới