Cậu cả nhà “Bầu Hiển”
Là thế hệ F1 trong một gia đình thành công, ông Đỗ Quang Vinh đang được kỳ vọng sẽ thổi một làn gió tươi mới vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Đây là thời điểm ngân hàng này bước vào giai đoạn phát triển mới cần sự trẻ hóa khách hàng và những đột phá mạnh mẽ từ làn sóng công nghệ đang diễn ra sôi động.
Người kế nhiệm trở về
Cuối tháng 10/2021, SHB chính thức bổ nhiệm ông Đỗ Quang Vinh làm Phó Tổng Giám đốc. Đây là con đường tất yếu của “cậu cả” nhà bầu Hiển, song vẫn nhận được nhiều chú ý từ dư luận.
Ông Vinh sinh năm 1989, là Thạc sĩ chuyên ngành tài chính và quản trị tại University of East Anglia, Vương quốc Anh. Trước khi công tác tại SHB, ông Vinh đã có thời gian làm việc tại các tổ chức uy tín quốc tế như CEO T&T tại Mỹ và Credit Officer tại Hana Bank (Hàn Quốc). Ông cũng đã trải qua nhiều vị trí quản lý cấp cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại các tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Trở về Việt Nam sau 3 năm giữ chức CEO của T&T tại Mỹ, SHB được chọn làm điểm khởi đầu của ông Vinh. Ông Vinh cho hay lý do chọn SHB vì đó là ngân hàng do cha ông - tỉ phú Đỗ Quang Hiển đã dành tất cả tâm huyết xây dựng. Đây cũng là nơi ông Vinh có sự gắn kết như với tất cả các thành viên trong gia đình.
“Ở thời điểm hiện tại, trở về SHB với tôi như trở về gia đình. Tìm người kế nhiệm Chủ tịch SHB là việc rất quan trọng. Tôi nhận thức được điều này. Đây là một trong những lý do tôi chọn trở về và dừng chân ở SHB”, ông Vinh chia sẻ. Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc SHB, ông Vinh đã nhận nhiệm vụ đầu tiên với chức danh Phó Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ SHB. Ngoài ra, ông còn giữ vai trò lãnh đạo tại nhiều dự án như Giám đốc Khối Ngân hàng số, Giám đốc Dự án triển khai giải pháp Quản lý quan hệ khách hàng (CRM) hay nằm trong Ủy ban Hiện đại hóa SHB. Những bộ phận này sắp tới sẽ là luồng gió mới trong hoạt động của Ngân hàng, đặc biệt là Khối Ngân hàng số.
“Nhiệm vụ của tôi là khoác một chiếc áo mới cách tân, vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống cốt lõi cho SHB và đảm bảo về sự trải nghiệm tiện lợi, nhanh chóng và bảo mật cho khách hàng”, ông Vinh nói. Theo vị lãnh đạo trẻ này, SHB hiện nay cần sự thay đổi, đột phá để hiện đại hơn. Trước đây, Ngân hàng chủ yếu dựa trên tập khách hàng truyền thống, khả năng tiếp cận về công nghệ, nhóm khách hàng trẻ và khối bán lẻ hạn chế.
Khó khăn trong việc chuyển giao này là cân bằng sự khác biệt tư duy giữa các thế hệ người trẻ hiện đại thế hệ cuối 8x, với những người lãnh đạo thế hệ 6x, 7x. Theo ông Vinh, sự cân bằng này đến từ những trao đổi và khi cần là tranh luận thẳng thắn nhưng luôn dành sự tôn trọng cho nhau và muốn điều tốt nhất cho Ngân hàng.
“Việc chuyển đổi trong tư duy hay thuyết phục người khác là điều không dễ, nhưng tôi không bỏ cuộc. Với sự cố gắng của tôi, mọi người cũng ủng hộ và phối hợp”, ông Vinh chia sẻ với báo chí.
Trên thực tế, những chiến lược và tầm nhìn của SHB đã và đang dần thay đổi kể từ khi có sự tham gia của “người kế nhiệm”. SHB luôn xây dựng mục tiêu phù hợp trong từng giai đoạn dài với chiến lược cạnh tranh là luôn tạo ra sự khác biệt.
Thực tế, với sự dẫn dắt của ông Vinh, Khối Ngân hàng số SHB thời gian qua đã mang lại nhiều đổi mới, ngày càng tiếp cận sâu rộng tới đa dạng tập khách hàng, đặc biệt các khách hàng trẻ. Trong năm 2021, SHB đã triển khai số hóa, bắt đầu từ các hành trình khách hàng cá nhân cho tới các nhu cầu giao dịch ngân hàng hằng ngày (daily banking), bảo hiểm (bancassurance), đầu tư (weath management)...
Với sự tư vấn của các tập đoàn quốc tế lớn về tài chính và công nghệ, SHB sẽ thực hiện chuyển đổi toàn diện với các chiến lược phù hợp, luôn tạo ra khác biệt và bứt tốc mạnh mẽ trong thời gian tới. Mục tiêu tới năm 2025, cùng với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, SHB sẽ trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả và công nghệ trong số các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tầm nhìn năm 2030, SHB đạt tầm vóc ngân hàng bán lẻ hiện đại trong top đầu của khu vực.
Gia sản lớn và làn gió mới
Ở tuổi 32, trở thành Phó Tổng Giám đốc trẻ tuổi nhất SHB, ông Vinh được đánh giá là một làn gió mới, đặc biệt giữ vai trò quan trọng trong nhiều dự án chuyển đổi số và hiện đại hóa của Ngân hàng.
Không chỉ ấn tượng khi là “cậu cả” nhà bầu Hiển, ông Vinh còn thu hút cộng đồng mạng với những phát ngôn ấn tượng về cuộc sống và kinh doanh. Mới đây, trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Vinh đăng tải dòng status: “Có tiền có thể làm sếp nhưng chưa chắc đã là doanh nhân”. Ý của ông Vinh là để xứng với danh xưng “doanh nhân”, người lãnh đạo còn cần hội tụ nhiều phẩm chất khác như khao khát thành công, vừa có tâm vừa có tầm để tạo ra lợi nhuận nhưng đồng thời cũng đóng góp tích cực cho xã hội…
Đây cũng chính là bài học mà ông Hiển trải nghiệm và đúc kết sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường và gây dựng được một cơ đồ kinh doanh bề thế sau gần 30 năm. Đó là khi ông Hiển rời Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình và thành lập Công ty Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Công nghệ và Thương mại T&T vào năm 1993. T&T được độc quyền nhập và phân phối tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, tivi... cho các hãng của Nhật như Panasonic, Mitsubishi, National... toàn miền Bắc.
Đến năm 1998, đánh giá tiềm năng của ngành công nghiệp phụ trợ cho xe gắn máy, T&T thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn T&T Hưng Yên để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất động cơ và phụ tùng xe máy có quy mô lớn nhất Việt Nam với vốn đầu tư 300 tỉ đồng. Khi đã xây dựng được vị thế trong ngành điện tử, điện lạnh…, T&T dần tham gia vào các lĩnh vực mang tính trụ cột của nền kinh tế là bất động sản và đặc biệt là ngân hàng.
Đến năm 2007, T&T chuyển đổi mô hình từ Công ty Trách nhiệm Hữu hạn T&T thành Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (T&T Group), hoạt động đa ngành. Đến thời điểm hiện tại, cơ ngơi của doanh nhân Đỗ Quang Hiển trải rộng trên nhiều lĩnh vực gồm: tài chính - đầu tư; bất động sản; công thương; nông nghiệp, lâm nghiệp - thủy sản; hạ tầng giao thông, cảng biển - logistics; năng lượng và môi trường; y tế, giáo dục và thể thao…
Theo công bố, trong 10 năm tới, năng lực cung cấp điện của T&T Group (LNG và năng lượng tái tạo) dự kiến sẽ đạt khoảng 10.000-11.000 MW, chiếm khoảng 8% tổng công suất lắp đặt các nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam. Trong đó, điện gió và điện mặt trời đạt từ 7.000-8.000 MW.
Website của T&T Group công bố T&T Group là cổ đông lớn, tham gia quản trị và điều hành tại các định chế tài chính có sức ảnh hưởng và nằm trong Top 10 Việt Nam, bao gồm Ngân hàng SHB, Công ty Chứng khoán SHS và Tổng Công ty Bảo hiểm BSH… Trong đó, riêng SHB có vốn điều lệ tăng lên 26.674 tỉ đồng trong năm nay, tổng tài sản 464.000 tỉ đồng và nhân viên lên đến 8.200 người. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2021 được SHB công bố, đến ngày 30/6, ông Hiển và 2 con trai là Đỗ Quang Vinh và Đỗ Vinh Quang đang nắm giữ trực tiếp hơn 110,5 triệu cổ phiếu SHB. Theo đó, khối lượng tài sản cá nhân mà ông Hiển đang nắm giữ vào khoảng 1.400 tỉ đồng…
“Tôi thích làm những việc mà người khác cho là không thể và phải đi tới cùng. Tôi nghĩ lúc khởi sự cả vốn và kinh nghiệm của mình đều yếu mà còn làm được, huống hồ khi đã đứng vững rồi mà còn gục ngã thì buồn lắm”, ông Hiển đúc kết về cuộc đời thương trường của mình.
Đây cũng chính là gia sản mà ông sẽ trao vào tay những người con của mình và mong thế hệ kế tiếp không chỉ kế thừa mà còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trần Chung
-
Trịnh Tuấn
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Vũ Hoài