13.400 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8
Tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng chuyển biến tích cực. Ảnh: TL.
Trong tám tháng năm 2024, kinh tế - xã hội thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn tại một số quốc gia, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và thiếu vững chắc. Tình hình phát triển doanh nghiệp ngày càng chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Số liệu từ Tổng cục thống kê, trong tháng 8 cả nước có 13.400 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 15,2% so với tháng 7/2024 và giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 8.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; có 5.334 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 5.160 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; có 1.927 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Tính chung tám tháng năm 2024, cả nước có 168.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; bình quân một tháng có hơn 21.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 135.300 doanh nghiệp; bình quân một tháng có hơn 16.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Lãi suất hiện nay cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023.
Theo Ngân hàng Nhà nước, có thể nói lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp rất nhiều. Mặc dù tiền gửi huy động phải tăng lên để trả lãi suất cao hơn cho người gửi nhưng tiền cho vay lại giảm thì chênh lệch đầu vào đầu ra sẽ thu hẹp, lợi nhuận năm nay có phần giảm bớt so với các năm trước.
Trước đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản các tổ chức tín dụng đồng thời giảm, tức là khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay, kể cả room tín dụng cũng như nguồn lực, nguồn vốn thanh khoản, đều đủ cho nhu cầu vốn tín dụng. Quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ nhu cầu vốn vay. Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh. Còn nhiều chính sách giải pháp vĩ mô khác đồng hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ vốn tín dụng.
Ở góc độ doanh nghiệp, dự kiến quý III/2024, có 40,7% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2024; 42,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước lạc quan nhất với 83,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2024; tỉ lệ này ở khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 83,2% và 82,7%. Dự báo chỉ số cân bằng chung quý III/2024 đạt 23,6%.
Có thể bạn quan tâm
Cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi vay cho khách hàng bị thiệt hại do bão
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư