Hủy
Kinh Doanh

Ai hưởng lợi khi giá điện tăng?

Dũng Vũ Thứ Hai | 08/04/2019 08:00

Ảnh: evn.com.vn

Tăng giá điện, người dân hiển nhiên phải trả, nhưng ai lại là người được lợi nhiều nhất?
 

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Công Thương thông tin về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36%, đơn giá điện dự kiến tăng lên 1.864,44 đồng/kWh (chưa tính VAT). Tính toán từ việc tăng giá, ngành điện ước tính thu về hơn 20.000 tỉ đồng/năm.

Thế nhưng, ông Đinh Quang Trí, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lại cho rằng: “Chúng tôi là người trung gian thu trả cho thiên hạ”. Đồng thời, ý kiến của đại diện EVN cho thấy, nhiều khả năng khoản thu sẽ phải thanh toán cho khoản chi 21.000 tỉ đồng, tính ra EVN... vẫn lỗ.

Vậy rốt cuộc ai sẽ hưởng lợi khi người dân phải chịu khoản tăng 8,36% giá điện? Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam có 7 lần tăng giá điện, trong đó lần gần đây nhất là ngày 1.12.2017 với biên độ tăng 7,5%. Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành điện, có nhiều yếu tố tác động tăng giá điện, trong đó quan trọng nhất là giá nguyên liệu đầu vào.

 Ngoài ra, việc áp dụng Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với than làm giá than tăng. Cụ thể, từ ngày 5.1.2019, giá than bán cho sản xuất điện tăng từ 2,61% đến hơn 7% tùy từng loại than. Bên cạnh đó, EVN cho rằng phải thanh toán nhiều khoản bằng ngoại tệ, điều đó ảnh hưởng đến tiêu chí đầu vào của giá điện.

Ai huong loi khi gia dien tang?
 

“Những năm trước còn nhiều yếu tố nên treo lại khoản chênh lệch tỉ giá nhưng giờ sẽ phân bổ dần, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên năm nay sẽ phải tính toán”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, bình luận. Khi phân bổ, lãnh đạo EVN cũng cho biết, số tiền 20.000 tỉ đồng sẽ được dùng để thanh toán các chi phí đầu vào tăng thêm hằng năm. Trong đó, chi phí cho than là hơn 7.000 tỉ đồng, chi phí chênh lệch tỉ giá khí trong bao tiêu là gần 6.000 tỉ đồng và gần 3.800 tỉ đồng thanh toán chênh lệch tỉ giá cho các nhà đầu tư không thuộc EVN.

Việc nguồn nguyên vật liệu đầu vào tăng giá cùng với đó là những khoản lỗ đã đẩy chi phí đầu vào EVN cũng như các doanh nghiệp ngành điện lên cao. Những tưởng, việc tăng giá điện bán lẻ từ 1.720,65 đồng lên 1.864,44 đồng/kWh sẽ giải quyết được bài toán doanh thu - chi phí. Nhưng thực tế, giá bán điện của các công ty ngành điện đã được thỏa thuận dài hạn trong hợp đồng đã ký với EVN, nên việc tăng giá bán điện thành phẩm trong ngắn hạn chưa thể tác động đến doanh thu của doanh nghiệp sản xuất điện.

Những doanh nghiệp sản xuất điện lớn như Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Ninh Bình hay Nhiệt điện Quảng Ninh... có những dự án lớn được đàm phán trước giá bán điện trong 25 năm nên giá bán điện được thỏa thuận qua từng giai đoạn. Do đó, trong ngắn hạn, việc tăng giá điện cũng chưa thể tác động đến doanh thu của các doanh nghiệp này.

Song thủy điện hiện chiếm tỉ trọng khá lớn trong bức tranh sản xuất điện, lên đến 36%. Đối với những nhóm công ty thủy điện lớn như Thủy điện Thác Bà,  Thủy điện Thác Mơ,  Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh... sở hữu những nhà máy thủy điện với công suất hàng trăm MW, thu về mỗi năm hàng trăm triệu kWh, thì những yếu tố đầu vào như than lại không có tác động nhiều đến chi phí của doanh nghiệp. Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sản xuất điện là thời tiết, thủy văn sông ngòi, kênh rạch và các yếu tố tự nhiên.

Ai huong loi khi gia dien tang?
 

Còn đối với những doanh nghiệp phân phối điện, thì việc tăng giá điện bán lẻ có thể là một tác động tích cực. Điển hình là Điện lực Khánh Hòa khi doanh nghiệp này mua điện từ Tổng Công ty Điện lực miền Trung (trực thuộc EVN) và bán lẻ cho người dân, nên giá điện tăng sẽ giúp lợi nhuận tăng. Việc đã ký hợp đồng dài hạn với giá rẻ, nay lại bán với giá lẻ cao hơn, lợi nhuận doanh nghiệp phân phối nhiều khả năng sẽ có biến động, một chuyên gia phân tích chứng khoán năng lượng bình luận.

 Nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động mua bán điện và hạn chế thế độc quyền của EVN, từ đầu năm 2019, thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức hoạt động với sự tham gia của PVN, Vinacomin. Các công ty điện trong ngành có số ít là doanh nghiệp tư nhân, còn phần lớn là công ty con của EVN, PVN, Vinacomin.

Nhìn tổng thể bức tranh EVN tăng giá điện bán lẻ, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn, niềm vui vẫn thuộc về doanh nghiệp phân phối điện. Giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỉ lệ cung cầu trên thị trường điện. Khi đó, dĩ nhiên, gánh nặng đặt lên vai ai, có thể lại là một vấn đề đáng tranh luận.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới