Hủy
Kinh Doanh

Amata muốn được ưu đãi cho dự án ở Hạ Long

Thứ Ba | 19/05/2015 08:30

Theo lãnh đạo của Amata Group, Amata City Hạ Long sẽ khó cạnh tranh với các khu công nghiệp xung quanh do khác biệt về ưu đãi thuế.
 

Lập kế hoạch xây dựng tổ hợp khu công nghiệp, đô thị và logistics có quy mô lớn nhất Việt Nam tại Quảng Ninh, nhưng Amata Group vẫn lo ngại sẽ khó cạnh tranh được với các khu công nghiệp nhỏ hơn xung quanh do sự khác biệt về ưu đãi đầu tư. Đó cũng là lý do tập đoàn này đề xuất với Chính phủ những ưu đãi về thuế chưa từng có dành riêng cho dự án của mình tại Quảng Ninh.

Trong thông báo hồi đầu tháng 5, Amata Group cho biết đã ký kết với Tập đoàn Tuần Châu một bản thỏa thuận thành lập liên doanh phát triển dự án Amata City Hạ Long tại Quảng Ninh. Bản thỏa thuận này cho thấy Tập đoàn quyết tâm theo đuổi phát triển dự án đã được công bố từ năm 2012.

Theo đó, Công ty Amata Việt Nam PC, công ty con của Amata Group tại Việt Nam, sẽ giữ 70% cổ phần của Liên doanh, phần còn lại do Tập đoàn Tuần Châu nắm giữ. Dự án Amata City Hạ Long, được dự kiến xây dựng tại huyện Quảng Yên, có diện tích lên tới 6.000 ha. Trong đó, 4.000 ha sẽ được dành để xây dựng khu công nghiệp; 1.500 ha là đất xây dựng khu đô thị, trung tâm thương mại, giáo dục và nghiên cứu khoa học. Amata và Tuần Châu cũng dự kiến dành 640 ha để xây dựng trung tâm logistics và triển lãm. Xét về quy mô, Amata City Hạ Long sẽ là dự án phức hợp khu công nghiệp và đô thị lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Bà Somhatai Panichewa, Tổng Giám đốc điều hành Amata Việt Nam PCL, cho biết dự án này sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2016, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2 tỉ USD. Sau khi hoàn thành, Amata kỳ vọng dự án sẽ thu hút tới 1.000 doanh nghiệp đầu tư vào Amata City Hạ Long, tạo ra 300.000 việc làm cùng với tổng doanh thu hằng năm 5 tỉ USD.

Bà Somhatai Panichewa, Tổng Giám đốc điều hành Amata Việt Nam PCL - Ảnh: The Nation

Bà Somhatai Panichewa, Tổng Giám đốc điều hành Amata Việt Nam PCL

- Ảnh: The Nation

Amata chọn đầu tư vào huyện Quảng Yên, theo bà Somhatai, vì đây là địa điểm rất thuận lợi về giao thông: gần với cảng biển quốc tế Lạch Huyện, sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Cát Bi. Hơn nữa, hệ thống đường cao tốc nối liền Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh - Hải Phòng đang được xây dựng sẽ rút ngắn khoảng cách giao thông giữa Quảng Ninh và các địa phương trong khu vực miền Bắc.

Một lý do nữa cũng không kém phần quan trọng là Quảng Ninh giáp với Trung Quốc. Các doanh nghiệp đầu tư vào đây sẽ dễ dàng xuất và nhập hàng từ thị trường rộng lớn này.

Với kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp tại Thái Lan và Việt Nam của Amata Group (đặc biệt đã được chứng minh qua Khu Công nghiệp Amata Biên Hòa) cùng những thuận lợi nêu trên, có vẻ như Amata City Hạ Long sẽ tạo thách thức lớn đối với các khu công nghiệp khác xung quanh, thậm chí cả khu vực miền Bắc. Thế nhưng, ngược lại, Amata đang lo ngại dự án này sẽ gặp bất lợi trước các đối thủ như VSIP, Rent-A-Port hay Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc.

Khu Công nghiệp Amata Biên Hòa, Đồng Nai - Ảnh: baodautu.vn
Khu Công nghiệp Amata Biên Hòa, Đồng Nai - Ảnh: baodautu.vn

Trong cuộc họp gần đây với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Somhatai Panichewa đã đề cập đến bất lợi về ưu đãi thuế dành cho khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập cá nhân, các dự án đầu tư vào khu kinh tế sẽ được hưởng ưu đãi thuế gần như là cao nhất hiện nay.

Cụ thể, do các khu công nghiệp VSIP Hải Phòng, Đình Vũ và Tràng Duệ đều nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ, nên bất cứ công ty nào đầu tư vào các khu công nghiệp nói trên đều được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10%. Trong đó có tới 4 năm đầu được miễn và 9 năm tiếp theo chỉ phải đóng phân nửa (tức đóng 5% thuế thu nhập doanh nghiệp). Thuế thu nhập cá nhân dành cho những người làm trong khu kinh tế cũng được giảm tới 50% trong suốt vòng đời dự án.

Trong khi đó, do dự án Amata City Hạ Long không nằm trong khu kinh tế, công ty nào đầu tư vào đây vẫn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 22% và chỉ được miễn 2 năm đầu và giảm 50% cho 4 năm tiếp theo. Thuế thu nhập cá nhân thì không có bất cứ ưu đãi nào.

Báo cáo mới đây về FDI của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn bất ổn như hiện nay, ưu đãi thuế đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp.

Với khoảng cách từ dự án Amata City Hạ Long tới Khu Kinh tế Đình Vũ chỉ là 30 km, trong khi có cùng thuận lợi về giao thông, rõ ràng Amata City Hạ Long kém hấp dẫn hơn so với các khu công nghiệp xung quanh như Đình Vũ hay VSIP Hải Phòng. Những khu này lại được phát triển bởi các chủ đầu tư không kém hơn Amata về kinh nghiệm và năng lực.

Để giúp cho dự án Amata City Hạ Long có tính khả thi cao hơn, trong cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Somhatai Panichewa đã đưa ra một đề xuất chưa từng có tiền lệ về ưu đãi thuế dành riêng cho dự án.

Theo đó, Amata muốn Chính phủ cho phép các doanh nghiệp đầu tư vào dự án Amata City Hạ Long hưởng ưu đãi 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 18 năm, trong đó có 5 năm được miễn và 11 năm tiếp theo chỉ phải đóng 5%. Đối với các công ty công nghệ cao, mức thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là 8% cho cả vòng đời dự án. Thuế thu nhập cá nhân sẽ được giảm 50%, trong khi tiền phí thuê đất và mặt nước sẽ được miễn hoàn toàn. Bà Somhatai Panichewa lý giải, những ưu đãi trên sẽ giúp Amata thu hút nhà đầu tư tốt hơn và cạnh tranh được với các khu công nghiệp xung quanh.

Thế nhưng, do đề xuất đó còn cao hơn cả các quy định luật hiện hành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quanh Vinh cho rằng chỉ có Quốc hội mới có quyền thay đổi luật. Ông cũng nhấn mạnh khả năng chấp thuận đề xuất của Amata là rất khó.

Nếu không được chấp thuận, Amata và Tập đoàn Tuần Châu sẽ phải tiếp tục đối mặt với bất lợi về ưu đãi thuế khi theo đuổi phát triển dự án Amata City Hạ Long.

Thùy Trang


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới