Hủy
Kinh Doanh

Big 4 mở cửa tăng vốn

Phương Anh Thứ Hai | 26/10/2020 07:30

Ba ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV đều đang đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Ảnh: Quý Hòa

Nhu cầu bức thiết tăng vốn cho 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
 

Các ngân hàng thương mại sở hữu trên 50% vốn nhà nước chính thức có hành lang pháp lý để tăng vốn trong bối cảnh chất lượng tài sản ngày càng xấu đi vì đại dịch COVID-19.

Thoát áp lực cổ tức tiền mặt

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121, sửa đổi bổ sung cho Nghị định 91 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo đó, các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ được xếp vào nhóm có thể được tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỉ lệ cổ phần. Điều này đồng nghĩa với việc nhóm Big 4 gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đã có cửa tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước. 

Nhiều năm qua, việc tăng vốn cho các ngân hàng trên bị tắc về chính sách trong khi nhu cầu tăng vốn lại rất cần thiết, dù đây là những ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong hệ thống. Trường hợp điển hình là Agribank, ngân hàng có thị phần hơn 50% ở khu vực nông nghiệp và nông thôn, được sở hữu 100% vốn nhà nước và chỉ có thể tăng vốn điều lệ bằng ngân sách nhà nước.

”Trong nhiều năm qua, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỉ lệ an toàn vốn của Ngân hàng bị suy giảm”, đại diện Agribank từng chia sẻ. Mức vốn tự có thiếu hụt trong giai đoạn 2019-2021 để đáp ứng chuẩn mực theo Basel II là rất lớn. Tỉ lệ an toàn vốn của Agribank theo Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạt 9,2%, đã sát ngưỡng tối thiểu quy định (9%).

 

Theo báo cáo của Agribank, trường hợp không được cấp đủ 3.500 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ trong năm 2020, tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ có thể đạt mức 4,5-5%.

Trong khi đó, chỉ riêng hỗ trợ hộ sản xuất và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Agribank đã cần tăng trưởng tín dụng ở mức 9% (tương đương 100.000 tỉ đồng), chưa kể cho vay khác phục vụ nông nghiệp và nông thôn.

VietinBank là một ví dụ khác trong câu chuyện mắc kẹt về chính sách tăng vốn của các ngân hàng có vốn nhà nước. Từ năm 2013 đến nay, vốn điều lệ của VietinBank vẫn giữ nguyên. “Ngân hàng không thể thực hiện tăng vốn thông qua giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư do bị ràng buộc bởi các giới hạn như tỉ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước không thấp hơn 65%, trong khi tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%”, đại diện VietinBank chia sẻ.

Để ứng phó, nhiều ngân hàng cơ cấu lại danh mục tài sản, kiểm soát tốc độ gia tăng tài sản có rủi ro, đẩy mạnh thoái các khoản đầu tư góp vốn không hiệu quả, những khoản đầu tư góp vốn ngoài ngành và phát hành tối đa trái phiếu để tăng vốn cấp 2, bên cạnh việc phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư.

Nhu cầu tăng vốn tại Vietcombank và BIDV lại không quá cấp thiết như 2 ngân hàng trên, nhờ các hoạt động tăng vốn thông qua việc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, cả 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV đều đang đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Ráo riết tăng vốn

Tính đến cuối tháng 8, vốn điều lệ của Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank chiếm 23,1% toàn hệ thống, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lại chiếm 46,1% và tăng đến 44,4% trong cùng thời gian. Điều này cho thấy trong nhiều năm qua, nhóm Big 4 đã thực sự rất chậm chân so với thị trường, đặt ra áp lực không nhỏ. Áp lực này thể hiện thực tế lên khả năng tăng trưởng của các ngân hàng khi không thể tăng vốn, chẳng hạn như hạn mức tăng trưởng tín dụng hay các chỉ tiêu an toàn vốn, đặc biệt là hệ số CAR.

Tăng vốn là bài toán mà các ngân hàng đối mặt trong nhiều năm qua để đảm bảo chỉ số an toàn hoạt động theo Thông tư 41, theo chuẩn mực quốc tế Basel II. Đến thời điểm này, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng đã yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Theo đó, các ngân hàng đã chuyển hướng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

 

Chẳng hạn, Vietcombank đặt kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2018 với tỉ lệ 18% và phát hành riêng lẻ với tỉ lệ 6,5% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư tổ chức. BIDV cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 15,5%, lên mức 46.432 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Trong khi đó, báo cáo cập nhật mới đây của SSI cho biết thách thức về vốn vẫn còn tồn tại trong ngành ngân hàng. Theo đó, các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ đặt ra nhiều thách thức hơn nữa về vốn cho các ngân hàng.“Với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, CAR sẽ giảm từ 40-80 điểm cơ bản. Do đó, đối với các ngân hàng có hệ số CAR trên 11%, chúng tôi cho rằng áp lực về vốn sẽ không quá lớn trong năm 2021 nếu nợ xấu tăng 1-2%. Tuy nhiên, đối với BIDV, Vietinbank và Vietcombank, nhu cầu tăng vốn trong năm 2021 là khá rõ ràng”, báo cáo SSI nhận định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới