Cần có đánh giá đúng về giao dịch với bên liên kết và hoạt động chuyển giá
Rõ hơn về hoạt động của doanh nghiệp
Theo phân tích của ông Tuấn, thông thường, đối với các công ty đa quốc gia, toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở công ty mẹ và công ty con trên toàn thế giới luôn phụ thuộc, gắn bó chặt chẽ với nhau từ sản xuất đến phân phối. Vì vậy, giao dịch kinh doanh giữa công ty mẹ với công ty con và giữa các công ty con với nhau (giao dịch liên kết) là thực sự tồn tại.
Nghiệp vụ chuyển giá (Transfer Pricing), về bản chất kinh tế, là việc phân chia lợi nhuận hợp lý giữa công ty mẹ với công ty con, giữa các công ty con với nhau (các bên liên kết) trong chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh để tối đa hóa lợi nhuận toàn tập đoàn.
Nghiệp vụ này thường phát sinh từ hoạt động kinh doanh được cân đối giữa các bên liên kết ở các quốc gia khác nhau, do thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và chính sách thuế ở các nước là khác nhau. Theo đó, giá xác định trong giao dịch giữa các bên liên kết ở các nước sẽ theo xu hướng làm gia tăng lợi nhuận ở các nước có thuế suất TNDN thấp, cho mục đích tối đa hóa lợi nhuận chung.
Để thực hiện nghiệp vụ này, thông thường công ty mẹ phải nghiên cứu chính sách thuế, thị trường của từng nước để phân chia lợi nhuận cho từng công ty con ở các quốc gia khác nhau, trên cơ sở chính sách giá khác nhau khi thực hiện giao dịch liên kết. Vấn đề là, khi xây dựng định mức lợi nhuận cho các công ty con, công ty mẹ phải đặt ra chính sách giá trong giao dịch liên kết hợp lý và trong phạm vi cho phép của luật pháp nước sở tại nơi công ty con hoạt động. Nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, thì việc phân chia lợi nhuận thông qua giao dịch giữa các bên liên kết sẽ bảo đảm cho toàn hệ thống hoạt động vững chắc.
Nhìn ở khía cạnh khác, theo ông Tuấn, nếu giao dịch giữa các bên liên kết diễn ra không bình thường, không theo biên độ giá giao dịch với bên thứ ba độc lập trên thị trường, thì được coi là hoạt động chuyển giá theo hướng tiêu cực.
Nhiều tập đoàn có thể lợi dụng giao dịch liên kết để chuyển toàn bộ lợi nhuận của công ty con ở nước ngoài về công ty mẹ qua thanh toán tiền dịch vụ quản lý, tính phí bản quyền, mua nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào của công ty con ở nước sở tại. Theo đó, công ty con sau một thời gian hoạt động, hưởng hết ưu đãi thuế TNDN, khai thác hết tiềm năng, lợi thế kinh doanh thì có thể hoạt động cầm chừng, lãi ít, hoặc giải thể, bán lại công ty.
Cơ quan thuế chống chuyển giá là chống hoạt động này, chứ không phải chống giao dịch liên kết giữa các công ty trong cùng tập đoàn.
Đây cũng chính là lý do mà cơ quan thuế, khi đánh giá khả năng thanh tra chuyển giá qua soát xét các thông tin trên báo cáo tài chính thường niên và các nguồn thông tin thị trường khác, thường tập trung vào các doanh nghiệp FDI mà đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN, có phát sinh lỗ lớn trong nhiều năm, có giao dịch bất thường, có phát sinh các khoản chi phí thanh toán dịch vụ quản lý, lãi vay với công ty mẹ; cũng như một số ngành nghề có rủi ro cao.
Hiệu quả thanh tra chuyển giá
Theo ông Tuấn, khi thanh tra nhiều doanh nghiệp (DN), cơ quan thuế có thể phát hiện dấu hiệu gian lận thuế, chuyển giá. Tuy nhiên, gian lận thuế và giao dịch liên kết là không đồng nhất với nhau. Chính vì vậy, không nên quan niệm rằng, DN có phát sinh giao dịch liên kết là có gian lận trong chuyển giá; và cũng không nên suy diễn rằng, gian lận thuế và chuyển giá ở khu vực DN FDI diễn ra phổ biến.
Qua thanh tra, cơ quan thuế sẽ xác định xem giá thị trường trong giao dịch liên kết có hợp lý hay không, nếu hợp lý thì phải “sống chung với chuyển giá”. Cơ quan thuế các nước phát triển trên thế giới có hoạt động thanh tra chống chuyển giá hàng chục năm nay cũng chấp nhận “sống chung với chuyển giá”, chứ không riêng gì Việt Nam.
Trong vài năm qua, hoạt động thanh tra chống chuyển giá đã chứng minh được hiệu quả và ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng DN. Tổng cục Thuế và các cục thuế địa phương đã và đang dần xây dựng bộ phận thanh tra chống chuyển giá riêng có trình độ cao và kỹ năng riêng biệt, cũng như xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nội địa nhằm phục vụ cho công tác thanh tra. Theo đó, số lượng DN FDI kê khai thua lỗ từ đầu năm đến nay giảm rõ rệt, nhiều DN đã tự giác hơn trong kê khai, điều chỉnh chi phí.
Nguồn Theo DVO/Mof
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư