Hủy
Kinh Doanh

Chi phí đẩy chi phí

Hoàng Hà Thứ Hai | 15/08/2022 08:00

Chi phí sinh hoạt so với thu nhập của Việt Nam đắt hay rẻ hơn so với các nước trong khu vực? Ảnh: Quý Hòa.

Áp lực chi phí sinh hoạt trong bối cảnh lạm phát trở thành áp lực cho nhiều vấn đề lớn của nền kinh tế.
 

Theo trang thông tin dữ liệu tiêu dùng Numbeo, so với năm 2021, Việt Nam đứng thứ 95/138 các quốc gia trên thế giới về chỉ số chi phí sinh hoạt. Thứ hạng của Việt Nam đã tăng 6 bậc sau 1 năm cũng có nghĩa là chi phí sinh hoạt của Việt Nam ngày càng cao hơn.

Liên quan đến chỉ số này, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra, trong thời điểm Việt Nam đang đối mặt với áp lực lạm phát, giá cả hàng hóa tăng vọt: Trong đà tăng của chi phí sinh hoạt, chi phí lao động tại Việt Nam có tăng đồng thời? Chi phí sinh hoạt so với thu nhập của Việt Nam đắt hay rẻ hơn so với các nước trong khu vực? 

Theo báo cáo của Công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh TMX, Việt Nam là điểm đến phù hợp cho các doanh nghiệp trong những lĩnh vực như điện tử không đòi hỏi công nghệ quá cao trong sản xuất, hoặc lao động có tay nghề cao với chi phí vận hành bình quân thấp nhất trong khu vực, chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar.

 

Về chi phí nhân công lao động, vốn chiếm trung bình tới 55% tổng chi phí của các quốc gia, Việt Nam được xếp hạng là thị trường có giá cả hợp lý đứng thứ 4 sau Campuchia, Myanmar và Philippines với tổng chi phí nhân công trung bình là 108,196 USD/tháng.

Tuy nhiên, lao động và người dân tại Việt Nam đang phải vật lộn để theo kịp với chi phí sinh hoạt và ngân sách hộ gia đình căng thẳng, do giá nhà ở, xăng dầu, năng lượng và hàng tạp hóa tăng cao. Nếu lạm phát tiếp tục tăng và thu nhập thực tế giảm, sức mua của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Theo Numbeo, trung bình một người Việt sẽ chi tiêu khoảng 10,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, bình quân năm 2021, thu nhập tháng của lao động Việt Nam chỉ là 5,7 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 6,5 triệu đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Thực tế đang diễn ra là nhiều công nhân phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng ca, hoặc yêu cầu mức lương phù hợp hơn mới đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày. Khảo sát mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động năm 2022 cho thấy, không ít người phải đi vay mượn.

Hội đồng Lương tính toán, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 dự kiến là 4%, thì lương tối thiểu hiện nay chỉ thấp hơn 1,3% so với mức sống tối thiểu. Vì vậy, nhiều đề xuất đưa ra mức tăng lương tối thiểu 6% từ tháng 7 năm nay cho đến hết năm 2023.

 

Quyết định tăng lương tối thiểu mang lại niềm vui cho người lao động. Tuy nhiên, bài toán giữa lợi ích của doanh nghiệp và khó khăn của người lao động chưa được cân bằng, thậm chí là cả vấn đề vĩ mô như thu hút đầu tư khi có thể đẩy chi phí lao động lên cao. Hơn 60% các công ty Nhật được Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật (JETRO) khảo sát ý kiến nói rằng chi phí nhân công cao là một trở ngại ở Việt Nam. Bởi vậy, lợi thế của Việt Nam với tư cách một điểm đến có giá nhân công rẻ đối với các công ty Nhật đang giảm dần. Ông Takimoto Koji, Trưởng Đại diện JETRO tại TP.HCM, cho biết, rủi ro chi phí nhân công tăng đã nhảy từ vị trí thứ 3 vào năm 2016 lên vị trí số 1 vào năm 2018 trong danh sách những mối lo của doanh nghiệp Nhật khi đầu tư vào Việt Nam.

Do chi phí nhân công tăng mà năng suất lại thấp, người lao động tại Việt Nam và nhiều nước ASEAN đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa. Vì vậy, tăng lương tối thiểu cho người lao động lúc này không chỉ là vấn đề thu nhập tăng mà việc tăng lương nên được xét song song với tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Do chi phí nhân công tăng mà năng suất lại thấp, người lao động tại Việt Nam và nhiều nước ASEAN đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa. Ảnh: Quý Hòa.
Do chi phí nhân công tăng mà năng suất lại thấp, người lao động tại Việt Nam và nhiều nước ASEAN đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa. Ảnh: Quý Hòa.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng: “Trong dài hạn, tăng lương tối thiểu chắc chắn phải có. Nhưng muốn bền vững, năng suất lao động của người lao động phải được chú ý. Tăng năng suất lao động của Việt Nam tính toán trong giai đoạn 10 năm tới là 7%. Đó là căn cứ quan trọng để tính toán tăng lương cho người lao động chứ không nên chỉ dựa vào chỉ số lạm phát”.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Nhật (JICA) tại Việt Nam, cho biết, kinh nghiệm của Nhật đòi hỏi cam kết chặt chẽ từ cả 2 phía người lao động và chủ lao động thực hiện để cải thiện năng suất lao động. Vấn đề quan trọng là đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách có hệ thống được quản lý chặt chẽ khoa học từ dạy nghề, đến đại học hoặc cao hơn phù hợp cho mọi đối tượng, lứa tuổi. Khi đó, tăng lương sẽ dẫn đến tăng năng suất, dẫn đến doanh thu tăng cao cho doanh nghiệp một cách hài hòa.  


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới