Chính sách ưu tiên của Wal-Mart: Cơ hội mới cho các nữ doanh nhân Việt
Tại Việt Nam, tuy Wal-Mart chưa có kế hoạch mở hệ thống bán lẻ, nhưng hệ thống này hiện đã mở văn phòng tìm kiếm nhà cung cấp sản phẩm tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật là chiến lược hỗ trợ và ưu tiên sản phẩm từ những doanh nghiệp do nữ giới làm chủ.
Vào Wal-Mart thế nào?
Gia đình vốn có kinh nghiệm trong ngành thủy sản nên bà Trần Thị Vân Loan, một nữ doanh nhân ở miền Tây, quyết định thành lập Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang nhằm xuất khẩu các sản phẩm cá tra. Tuy nhiên, Công ty vừa hoạt động được một thời gian thì thị trường xuất nhập khẩu khó khăn. Đó là thời điểm những năm 2004.
“Lúc đó, công ty gần như đã hết đường sống sót”, bà Loan nhớ lại. Tuy vậy, vị nữ doanh nhân này vẫn quyết định tự đi tìm thị trường mới còn hơn “ngồi chờ chết”. Bà sang các thị trường vốn không phải là thế mạnh của Việt Nam như châu Phi, Nam Mỹ và châu Á để tìm khách hàng. May mắn đã đến với Cửu Long An Giang khi bà Loan nhận được đơn hàng từ thị trường Mexico. Cũng từ đối tác này, sản phẩm cá tra của Công ty đã vào được hệ thống siêu thị Wal-Mart.
Thế là từ năm 2006, bà Loan đã xác định phải đầu tư để Cửu Long An Giang sản xuất hàng cho các đối tác lớn. Vốn đầu tư để cho nhà máy là hơn 1 triệu USD, nhưng doanh thu năm đầu tiên xuất hàng đã đạt gần 2 triệu USD. Sau vài năm tham gia cung cấp sản phẩm cho Wal-Mart ở phân khúc cao cấp, Công ty xây dựng đã được thương hiệu để hợp tác với các đối tác lớn khác.
Cửu Long An Giang trải qua 8 năm cung cấp hàng vào Wal-Mart ở Mexico, do nhà bán lẻ này chưa có chính sách thu mua hàng trực tiếp từ Việt Nam. Ðến năm 2014, sản phẩm của Công ty mới cung cấp trực tiếp vào Mỹ. Vào Wal-Mart, công ty của bà Loan đã phải trải qua 4 lần kiểm định về nhà máy, tài chính, an ninh chuỗi cung ứng và trách nhiệm xã hội.
“Khó nhất là trách nhiệm với công nhân, cộng đồng và xã hội. Riêng đối với doanh nghiệp thủy sản, các quy định về an toàn thực phẩm phải tuân theo một số tiêu chuẩn quốc tế về nguồn nguyên liệu, vùng nuôi, trang trại. Ðặc biệt là tiêu chí về nguyên liệu sạch. Ngoài ra, sản phẩm phải có đủ nguồn nguyên liệu với số lượng lớn, phải đồng nhất về kích cỡ”, bà Loan kể.
Một công ty khác cũng đã đưa thành công sản phẩm may mặc vào hệ thống Wal-Mart là Công ty May Thêu Thuận Phương. Trước khi trở thành nhà cung cấp cho Wal-Mart từ cách đây hơn 8 năm, Công ty đã gia công cho các công ty Hàn Quốc. Tuy nhiên, với 30 năm kinh nghiệm gia công, lãnh đạo Thuận Phương quyết định bứt phá khỏi gia công thì Công ty mới phát triển được.
Tự thấy có đủ khả năng làm sản phẩm cho Wal-Mart và đội ngũ quản lý đơn hàng có ngoại ngữ, năm 2008, đại diện Thuận Phương tìm đến văn phòng của Wal-Mart ở Trung Quốc để đàm phán. Kết quả, công ty này đã trở thành nhà cung ứng hàng may mặc Việt Nam đầu tiên có mặt trong hệ thống Wal-Mart. Từ đơn hàng 200.000 sản phẩm trong năm đầu tiên, đến nay Thuận Phương đang cung ứng cho Wal-Mart 3-5 triệu sản phẩm/năm. Sang năm 2016, Thuận Phương dự kiến phải mở thêm 2 nhà máy ở Long An để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng cao.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng theo bà Nguyễn Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phương, muốn đưa hàng vào Wal-Mart, Công ty đã phải nghiên cứu kỹ thị trường, xây dựng một chuỗi khép kín từ thiết kế đến sản xuất và phải có quy mô sản xuất đủ lớn mới mong đáp ứng được yêu cầu của “ông lớn” này.
Tại Việt Nam, ngoài các doanh nghiệp do nữ làm chủ kể trên, một số doanh nghiệp khác cũng đã đưa sản phẩm vào hệ thống Wal-Mart khá thành công. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, cho biết hiện công ty này đang thực hiện nhiều hợp đồng cho các siêu thị lớn của Mỹ, trong đó có Wal-Mart.
Vì sao ưu tiên nữ?
Bắt đầu mở văn phòng tại Việt Nam từ năm 2013 để tìm nguồn hàng và nhà cung cấp sản phẩm, Wal-Mart đang tăng cường lựa chọn và hỗ trợ các doanh nghiệp có lãnh đạo là nữ giới. Bà Jocelyn Tran, Giám đốc cấp cao Khu vực Đông Nam Á, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dịch vụ Walmart Global Sourcing, cho biết sẽ tiếp tục chọn nguồn cung ứng từ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hoặc có lực lượng lao động là phụ nữ chiếm đa số. “Chúng tôi mong muốn họ sẽ trở thành nhà cung ứng hàng hóa và dịch vụ chuyên nghiệp cho Wal-Mart”, bà cho hay.
Năm 2016, hệ thống bán lẻ này sẽ mua khoảng 24 tỉ USD hàng hóa từ các nhà cung ứng trên toàn cầu do phụ nữ làm chủ, tăng khoảng gấp đôi so với hiện nay. Nhưng vì sao Wal-Mart lại ưu tiên những doanh nghiệp do nữ làm chủ?
Thông tin khảo sát từ Wal-Mart cho thấy, trong số 260 triệu khách hàng của họ trên toàn cầu, phụ nữ đang chiếm số đông. “Đặc biệt là phụ nữ ở các thị trường mới nổi, vốn đã đầu tư đến 90% thu nhập của mình cho gia đình và cộng đồng”, bà Kara Valikai, Giám đốc cấp cao bộ phận Sáng kiến trao quyền kinh tế cho phụ nữ của Wal-Mart, chia sẻ.
Dù vậy, Wal-Mart cũng khẳng định không có sự phân biệt nào giữa doanh nghiệp do nam hay nữ giới làm chủ trong quy trình cung ứng. Quy trình trở thành nhà cung ứng của Wal-Mart đều giống nhau cho cả hai loại doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quan điểm của Wal-Mart, các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ thường cần thêm hỗ trợ mới đủ yêu cầu trở thành nhà cung ứng. Vì thế, tập đoàn này phải hướng dẫn, tư vấn cho các doanh nghiệp này về giải pháp hậu cần, đo lường, quy trình...
Khảo sát của Wal-Mart cho thấy, hiện các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo còn hạn chế so với những doanh nghiệp do nam lãnh đạo ở chỗ khả năng quay vòng vốn tự có còn hạn chế, tỉ suất lợi nhuận chưa cao. Trong khi đó, ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo lại tập trung vào bán lẻ, dịch vụ, lưu trú và ăn uống, không thích hợp để tham gia vào chuỗi cung ứng của Wal-Mart.
Ngược lại, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có tính sáng tạo, khả năng thích nghi cao hơn và cũng sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới nhiều hơn. Phụ nữ cũng thường mua những sản phẩm do những người phụ nữ sáng tạo ra.
“Ở thị trường Việt Nam, Wal-Mart vẫn đang trong quá trình tìm kiếm nhà cung cấp những mặt hàng trong lĩnh vực may mặc, giày dép, thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ, đồ chơi trẻ em... Những lĩnh vực này lại chủ yếu do nữ giới làm chủ”, bà Kara Valikai chia sẻ.
Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp được Wal-Mart đánh giá có tiềm năng xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ của họ, nhưng một điều khá tiếc nuối chính là khâu trung gian còn yếu. Mỗi năm, Wal-Mart mua khoảng 1,5-2 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Một nửa mua trực tiếp, một nửa qua các trung gian. Và có không ít sản phẩm đã được Trung Quốc mua từ Việt Nam và bán lại cho Wal-Mart.
Ngoài ra, còn một lý do khác khiến Wal-Mart ưu tiên nhiều hơn cho các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ. Đó là câu chuyện kiện tụng xảy ra vào năm 2005, khi 6 phụ nữ đã đâm đơn kiện Wal-Mart vì phân biệt đối xử không công bằng với nữ giới. Theo những người đâm đơn kiện, lao động nữ làm tại Wal-Mart được trả mức lương thấp và không có nhiều cơ hội thăng tiến. Vụ kiện kéo dài suốt nhiều tháng liên tục và Wal-Mart bị đòi khoản tiền đền bù 1,6 triệu USD. Nhà bán lẻ này cũng từng gặp phải nhiều cáo buộc về chính sách đối xử không công bằng với phụ nữ. Có lẽ, những sự kiện này cũng đã ảnh hưởng đến quyết định của Wal-Mart khi đưa ra chính sách ưu tiên những doanh nghiệp do nữ giới làm chủ.
Thanh Hương
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Tiến sĩ Võ Trí Thành
-
Lam Hồng
-
Trực Thanh
-
Vân Nguyễn
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Tiến sĩ Võ Trí Thành