Chính thức rút đề xuất chi ngân sách xử lý nợ xấu
Vẫn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền Thủ tướng ký, báo cáo của Chính phủ về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng vừa được gửi đến đại biểu Quốc hội.
Và, theo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, kiến nghị dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước đã chính thức được rút ra khỏi báo cáo.
Hoàn thành sau bản báo cáo đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ 20 ngày, song nhiều số liệu trong phần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được cập nhật đến cuối tháng 9/2014, thay vì đến cuối tháng 4/2014.
Theo đánh giá của Chính phủ, trong quá trình triển khai các biện pháp cơ cấu lại, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được bảo đảm và khả năng chi trả được cải thiện.
Huy động vốn tăng liên tục và chủ yếu đến từ nguồn tiền tiết kiệm của dân cư, đến cuối tháng 9/2014 đạt 4,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,01% so với cuối năm 2013, tăng 18,38% so với cùng kỳ năm 2013, báo cáo cho biết.
Cũng tính đến cuối tháng 9/2014, theo Chính phủ, dư nợ đối với nền kinh tế đạt 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2013 và tăng 12,98% so với cùng kỳ năm 2013.
Dẫn báo cáo của các tổ chức tín dụng, Chính phủ cho hay nợ xấu đến cuối tháng 9/2014 chiếm 3,88% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Nguyên nhân chủ yếu của việc gia tăng nợ xấu trong 9 tháng đầu năm 2014 là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu, Chính phủ giải thích.
Một trong các nguyên nhân khiến nợ xấu lớn, vẫn còn tiếp tục chịu áp lực tăng trở lại, việc xử lý nhanh nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn được Chính phủ nhìn nhận là thiếu nguồn lực tài chính công để có thể hỗ trợ việc xử lý nợ xấu.
Chính phủ cũng thể hiện rõ quan điểm, xử lý nợ xấu không chỉ là vấn đề của hệ thống ngân hàng mà là vấn đề của cả nền kinh tế. Do đó, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp và cần sự phối hợp từ nhiều bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh quá trình này.
Tuy nhiên, phần kiến nghị cả đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Chính phủ đều không đề cập chi ngân sách để xử lý nợ xấu nữa.
Một trong các kiến nghị đối với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp theo hướng tăng cường quản lý, kiểm soát doanh nghiệp tham gia hoạt động đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng để hạn chế, kiểm soát tình hình sở hữu chéo, đầu tư chéo.
Báo cáo cũng đề cập giải pháp triển khai xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng thông qua phối hợp với các bộ, ngành triển khai việc thoái vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng; sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng cùng sở hữu của nhóm cổ đông lớn.
Tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng theo hướng tập trung thống nhất, giám sát toàn bộ pháp nhân tổ chức tín dụng, phục vụ có hiệu quả cho công tác tái cơ cấu, xử lý nợ xấu cũng là giải pháp được nêu tại báo cáo.
Nguồn VnEconomy
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư