Chủ hộ kinh doanh chưa muốn thành chủ doanh nghiệp
Nhiều hộ kinh doanh đủ điều kiện nhưng chưa muốn thành lập doanh nghiệp. Ảnh: Thiên Ân
Không nhiều hộ kinh tế gia đình muốn chuyển lên thành doanh nghiệp dù nhiều quyền lợi đã được hứa hẹn từ sự thay đổi này. Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 có còn thực tế?
Món quà không hấp dẫn
Có vẻ như, đích ngắm 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 khó đạt được. Đã từng có lý luận rằng, với trợ lực từ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ 1.1.2018, việc kinh tế cá thể chuyển đổi sang doanh nghiệp, để được tham gia thị trường với tư cách độc lập hơn, đủ điều kiện nhân nguồn tín dụng ưu đãi... chỉ còn là chuyện ngày một ngày hai. Và nếu chỉ 1/4 trong đó thực hiện cú lột xác này, Việt Nam sẽ có không chỉ là 1 triệu doanh nghiệp, những chủ thể sẽ nỗ lực kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế, giúp cân đối ngân sách ngày càng bớt khó khăn. Tiếc là, thực tế lại không được như kỳ vọng.
Theo số liệu Cục Thuế TP.HCM vừa công bố, sau hơn 1 năm vận động, mới có hơn 3.000 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn chuyển đổi lên doanh nghiệp. Kết quả trên được đánh giá là thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra, đương nhiên vô cùng khiêm tốn so với số lượng 36.000 đơn vị kinh doanh cá thể có tiềm năng nâng cấp quy mô tại khu vực kinh tế năng động nhất nước này. Đầu tàu kinh tế của Việt Nam hẳn đau đầu khi chính họ cũng đang phải đối diện với mục tiêu 500.000 doanh nghiệp năm 2020, xác định hoàn thành nhờ hai nguồn chính là chuyển đổi các hộ kinh doanh sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp và số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hàng năm.
Dễ thấy, những quyền lợi theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ sức hấp dẫn, nhất là khi các chủ hộ phải đối diện với quá nhiều rắc rối từ việc lưu trữ chứng từ, sổ sách kế toán và gánh thêm nghĩa vụ thuế khóa nhưng khả năng tiếp cận vốn vay thì lại khá mơ hồ. Họ hoàn toàn có lý bởi hơn ai hết, họ đã phải tính kỹ bài toán được - mất trong công việc kinh doanh. Nếu tiếp tục kiên định con số 1 triệu doanh nghiệp nói trên, các nhà quản lý phải gỡ được nút thắt đang cản đường “chuyên nghiệp hóa” của các hộ kinh doanh cá thể.
Cả nước hiện có 1,6 triệu hộ kinh doanh có mã số thuế. Cơ quan thuế từng chỉ mong 5-6% hộ kinh doanh có doanh thu 100 tỉ đồng/năm, sử dụng nhiều hóa đơn, kinh doanh những mặt hàng đặc thù... chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cả cơ quan thuế lẫn chuyên gia kinh tế cùng chia sẻ quan điểm rằng, không thể dùng các biện pháp hành chính để ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Một gợi ý có thể nên cân nhắc xuất phát từ chính Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vừa, chính sách từng được coi như chiếc chìa khóa vàng mở cánh cửa lớn cho kinh tế hộ gia đình.
Theo luật này, quyền lợi hộ kinh doanh cá thể được hưởng nếu lên doanh nghiệp là: miễn nhiều khoản phí đăng ký doanh nghiệp; miễn giảm tiền sử dụng đất và thuế thu nhập doanh nghiệp; tư vấn, hướng dẫn về thuế và kế toán trong thời hạn 3 năm. Đương nhiên, đây không phải là món quà vừa lòng người nhận, đơn giản vì nếu giữ nguyên hiện trạng, họ không phải đối diện với các vấn đề trên.
Hấp dẫn nhất vẫn là nguồn vốn tín dụng có hỗ trợ, bảo lãnh của Nhà nước; hay nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước có thể mời gọi hơn. Thế nhưng, hiện nay, không nhiều doanh nghiệp có khả năng tiếp cận với các nguồn hỗ trợ tín dụng này.
Tiếp cận theo hướng này, điều đầu tiên cần phải thay đổi là chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể khi chuyển lên doanh nghiệp. Hãy mang cho họ món quà thật, có thể giúp họ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thay vì đưa ra nhiều miếng bánh vẽ. Để làm được điều này, chắc chắn không thể trông chờ vào sự khuyến khích hay vận động.
Có nên đặt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp?
Sự khiêm tốn trong kết quả chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp cũng như bất cập trong chính sách hỗ trợ khiến dư luận một lần nữa đặt câu hỏi, liệu có nên đuổi theo thành tích 1 triệu doanh nghiệp năm 2020? Dường như không ít nhà quản lý đang mải mê đuổi theo giấc mơ màu hồng rằng số doanh nghiệp trên sẽ là xương sống của nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, nguồn thu cho ngân sách...
Từ đó, môi trường cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng xuất hiện, doanh nghiệp được cọ xát và nâng cao năng lực. Khi đó, nền kinh tế tự khắc sẽ có nội lực. Cây đũa thần đã tạo ra được phép màu mà trăm triệu người dân Việt đang mong ngóng.
Hồi tháng 10.2017, chính Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thừa nhận, doanh nghiệp gặp khó khăn khi “cứ 4 doanh nghiệp gia nhập thì 3 ông phá sản”. Sự khởi sắc của nền kinh tế hiển hiện rõ hơn ở các con số thống kê, sự cạnh tranh trên thị trường được ghi nhận chủ yếu vẫn bằng quan hệ, đồng nghĩa, doanh nghiệp không được tôi luyện đúng cách để trưởng thành.
Nếu điều này không thay đổi, dù năm 2020, nền kinh tế có 1 triệu doanh nghiệp, bao nhiêu trong số đó là lính mới, sức cạnh tranh yếu và tất nhiên, chưa thể thực hiện nghĩa vụ thuế. Sẽ không được cả chì lẫn chài.
Trao đổi với NCĐT về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, thể hiện rõ sự không đồng tình. Bởi lẽ, sự tồn tại của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường phải tuân theo nguyên tắc sinh lợi tối đa. Không nên và không được đặt ra vấn đề phải có bao nhiêu doanh nghiệp trong nền kinh tế hay vận động chuyển đổi từ hình thức kinh doanh này sang hình thức kinh doanh khác, chẳng khác gì phong trào bình dân học vụ hay vận động sinh đẻ có kế hoạch ngày xưa.
Lời thẳng ý thật của vị chuyên gia chỉ ra căn nguyên của tình trạng kinh tế cá thể không muốn thành doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp phải thu nhỏ quy mô để có thể tồn tại, vận động kinh tế hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp là mơ mộng, thiếu thực tế.
Trong kịch bản xấu nhất, sự khuyến khích biến tướng thành cưỡng ép bằng chính sách hay các thủ thuật hành chính, nó sẽ gây ra tai họa cho các chủ thể thuộc khu vực kinh doanh này. Cần nhớ rằng, dù không gánh nhiều trách nhiệm thuế khóa, bồi dưỡng nguồn thu ngân sách, khu vực kinh tế hộ gia đình đang giải quyết sinh kế cho cả chục triệu người lao động. Nếu khu vực này bị tổn thương, những hệ lụy phải được tính toán cẩn trọng.
Giải pháp được chuyên gia Lê Cao Đoàn đưa ra là phải tạo ra những cơ sở, điều kiện cần thiết, tất yếu để thúc đẩy sự vận động đi lên của từng thành phần kinh tế theo đúng quy luật của kinh tế thị trường. Chỉ khi đó, doanh nghiệp sinh ra.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư