Hủy
Kinh Doanh

Chủ tịch HVG: Nguyên liệu cá tra đang thiếu hụt 50%

Thứ Sáu | 07/04/2017 10:07

Năm nay, sản lượng để cung ứng chế biến xuất khẩu chưa được 800 nghìn tấn, tức sản lượng bị thiếu hụt tới 50%.
 

Sáng nay (7/4), CTCP Hùng Vương (HVG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc HVG, cho biết ngành cá tra đang bị khủng hoảng thiếu nguyên liệu, ít nhất cho đến tháng 2/2018.

Theo ông Minh lý giải, do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa trái mùa từ cuối năm cho đến nay ảnh hưởng đến con giống, đến tháng 6-7 mới có con giống. Điều này đồng nghĩa sang đầu năm 2018 mới có cá tra thịt.

Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 1,7 tỷ USD cá tra, ước tính tổng nguyên liệu cung ứng cho xuất khẩu là trên 1,5 triệu tấn. Năm nay, sản lượng để cung ứng chế biến xuất khẩu chưa được 800 nghìn tấn, tức sản lượng bị thiếu hụt tới 50% so với năm ngoái, ông Minh nhận định.

Về thị trường, thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng trưởng nóng nhất là Trung Quốc. Lãnh đạo HVG cho biết đến cuối tháng 3, Trung Quốc đã vượt Mỹ về nhập khẩu cá tra Việt Nam. Thị trường Mỹ đứng thứ hai. Khả năng trong năm 2018 thị trường này sẽ gặp khó nếu chương trình mới về nhà máy của Mỹ đi vào thực hiện. Về nguyên tắc, tháng 9 sẽ thực hiện, phía Việt Nam cũng đưa ra những quy trình nguyên liệu và chế biến, song phía Mỹ sẽ xem xét có tương đồng hay không. Dự kiến đến tháng 7-8 sẽ xem xét.

Nói về khoản lỗ trong năm 2016, lãnh đạo HVG xin nhận lỗi trước cổ đông và cho rằng đây là vấn đề bất khả kháng của công ty. Theo ông Minh, những dự báo lợi nhuận hoàn toàn có cơ sở, nhưng tình hình thực tế không thể trở tay kịp. Trong vòng một tháng, brexit khiến đồng euro mất giá, chênh lệch vấn đề nhập khẩu gần 30 triệu USD. HVG là một trong các doanh nghiệp bán đổ bán tháo để giải quyết vấn đề tài chính với ngân hàng. Công ty đi vào bị động và đó là trường hợp bất khả kháng của công ty.

Ông Minh cũng tiết lộ doanh nghiệp Hàn Quốc CJ có bàn để mua Việt Thắng, "Chúng tôi không đồng thuận vì không đạt kỳ vọng giá đưa ra", ông Minh nói và cho biết cũng có một công ty Nhật Bản đề xuất mua 51% cổ phần FMC.

"Chúng tôi cũng định thoái vốn FMC để giảm áp lực tài chính, nhưng do bán được cá, thu xếp được vấn đề tài chính nên chúng tôi hủy kế hoạch này", ông nói.

Cập nhật tình hình đầu tư, ông Minh cho biết tất cả các dự án đều theo đúng tiến độ. Về heo giống, đợt heo cuối đã được nhập về vào tháng 10/2016. Đàn heo cụ kỵ đã đang sinh sản trên 500 con. Mỗi tuần đưa vào chuồng khoảng 100 con heo nái đẻ. Từ kế hoạch heo đẻ 28 con/năm, đến nay có thể khẳng định, số heo đẻ được đã là 36 con/năm. Ông Minh khẳng định năm nay sẽ hoàn thành kế hoạch về con giống. 

Về nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Long An, công đoạn lắp đặt thiết bị đã hoàn thành 95%, đến tháng 6 sẽ đi vào hoạt động. Trong tháng 4, công ty sẽ khởi công nhà máy Remix An Giang với đối tác Đan Mạch. Dự án này do HVG góp 25% vốn, đến tháng 12/2017 sẽ đi vào hoạt động.

Riêng kho lạnh, đến tháng 12 sẽ bắt đầu hoạt động.

Kế hoạch năm 2017, HVG đề ra mục tiêu đạt 20.000 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ đồng lợi nhuận, đồng thời hướng đến mục tiêu 25.000 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lợi nhuận năm 2018.

Kết quả kinh doanh năm tài chính 2016, HVG đạt doanh thu thuần hợp nhất 17.884 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lỗ 49 tỷ đồng.

Năm 2016, HVG đã chi trả cổ tức 20% bằng cổ phiếu cho năm 2016 khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng của Hùng Vương bị thâm hụt và ghi nhận giá trị âm. Vì vậy, do kết quả kinh doanh thua lỗ, đồng thời nhằm xử lý khắc phục nguồn vốn âm, HVG đề xuất không chia cổ tức cho năm 2016, 2017.

Trước đề xuất chi cổ tức 10% của cổ đông, ông Minh cho biết con số lợi nhuận vượt hơn kế hoạch 400 tỷ đồng sẽ được công ty dành toàn bộ để chia cổ tức tiền mặt. "Chúng tôi sẽ lấy ý kiến ĐHCĐ bất thường vào tháng 7 để xem xét việc chi trả cổ tức 10%", ông nói.

Trường Văn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới