Hủy
Kinh Doanh

Cổ phiếu nào sẽ sớm phải rời sàn năm nay?

Thứ Hai | 28/03/2016 12:30

Nếu như năm 2010, chỉ có 6 mã bị hủy niêm yết thì năm nay con số này được ước tính là 35 mã.
 

Đến hẹn lại lên, sau mùa báo cáo tài chính là bước sàng lọc diễn ra trên thị trường chứng khoán. Những doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp sẽ buộc hủy niêm yết. Tín hiệu đã được phát đi từ một số doanh nghiệp như Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), Thực phẩm Vĩnh Long (VLF), Tập đoàn Sara (SRB), Công ty Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí (PXL)... Tính ra, khoảng 5 doanh nghiệp sẽ rời sàn trong diện này.

Đáng nói là số doanh nghiệp “mấp mé”, tức lỗ 2 năm liên tiếp, đang cao gấp 3 lần số doanh nghiệp lỗ 3 năm. Và nếu gộp cả những lý do khác như vi phạm công bố thông tin, lỗ vượt vốn điều lệ... thì trường hợp hủy niêm yết bắt buộc ngày càng tăng lên. Nếu như năm 2010, con số này chỉ có 6 thì năm nay, ước tính có 35 mã sẽ rời sàn.

Các doanh nghiệp thua lỗ triền miên hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhưng tập trung vẫn là trong nhóm ngành khoáng sản, vật liệu xây dựng, xây lắp, thủy sản, vận tải biển. Đây cũng là những ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thị trường. Chẳng hạn, từ năm 2012 khi chỉ thị mới được ban hành, liên quan đến cấm xuất khẩu khoáng sản thô (trừ dầu mỏ và than đá), ngành này bắt đầu rơi vào giai đoạn khó khăn. Với lượng khoáng sản đã khai thác trước đó nhưng không thể xuất đi, tình trạng thừa cung đã xảy ra. Năm 2014 mức thuế khai thác tài nguyên tăng lên 16% từ mức 11%, hợp đồng mua khoáng sản, nhất là từ phía Trung Quốc giảm... càng khiến tình hình kinh doanh của các công ty khoáng sản thêm ảm đạm.

Ba năm qua, các doanh nghiệp khoáng sản rất chật vật trong việc tìm kiếm khách hàng. Lãnh đạo SQC cho biết, mặc dù đã nỗ lực tìm khách hàng (kể cả khách hàng nhỏ lẻ) và nhận gia công nhiều mặt hàng khác nhưng SQC vẫn không thể giải quyết được lượng lớn hàng tồn kho, dẫn đến doanh thu năm 2015 sụt giảm mạnh (86%) và dự phòng giảm giá hàng tồn kho ở mức cao.

Cũng có một số ít công ty trong ngành làm ăn có phần khả quan hơn. Tại Khoáng sản Á Châu (AMC), doanh thu đạt hàng trăm tỉ đồng, một con số không thường thấy ở ngành này trong giai đoạn hiện tại. Đó là nhờ AMC chọn con đường kinh doanh khá khác biệt với sản phẩm chính là bột đá trắng siêu mịn. Sản phẩm này được ứng dụng làm các chất phụ gia trong các ngành công nghiệp như sản xuất sơn, giấy, nhựa, hóa chất, cao su... Hay Khoáng sản Bình Định (BMC) là 1 trong số 5 doanh nghiệp sản xuất xỉ titan, tức titan chế biến. Nhờ đó, BMC thích ứng được với hoàn cảnh mới, từ chính sách hạn chế xuất khẩu đối với khoáng sản thô.

Dù vậy, BMC đã có một năm 2015 suy giảm về mặt doanh thu lẫn lợi nhuận. Đây là tình trạng chung ở hơn phân nửa nhóm doanh nghiệp khoáng sản đang niêm yết. Thậm chí, SQC còn bị lỗ lũy kế và có nguy cơ hủy niêm yết. Trong quá khứ, không thiếu cổ phiếu khoáng sản như Khoáng sản Mangan (MMC), Khoáng sản Quảng Nam (MIC) cũng phải rời sàn với lý do lỗ triền miên. Với bức tranh này, năm nào, ngành khoáng sản cũng có thành viên góp mặt vào “danh sách đen”.

Co phieu nao se som phai roi san nam nay?
Một số cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp

Các doanh nghiệp trong ngành xây lắp - bất động sản, nhất là thuộc họ dầu khí, cũng kinh doanh trầy trật, bởi chiến lược của ngành dầu khí là rút vốn khỏi những hoạt động đầu tư không thuộc ngành nghề cốt lõi. Cụ thể, nếu các hoạt động đầu tư của ngành dầu khí nằm ngoài 5 lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã và sẽ tìm cách thoái vốn theo lộ trình và chuyển nhượng các dự án liên quan. Nghĩa là nhóm doanh nghiệp xây lắp, xây dựng, kinh doanh bất động sản... sẽ không còn lực đỡ từ PVN.

Trong một thị trường xây lắp, đầu tư bất động sản cần đến vốn lớn và thương hiệu uy tín, việc buông tay của tập đoàn này hay của Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà đã khiến các công ty con chới với. Đó là chưa kể các doanh nghiệp này thường có những khoản đầu tư góp vốn buộc phải trích lập dự phòng. PXL, chẳng hạn, trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn lên đến 58 tỉ đồng tính đến cuối năm 2015. Công ty này cũng phải trích lập dự phòng hơn 2 tỉ đồng cho những khoản phải thu ngắn hạn khó đòi.

Các con số doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, các khoản trích lập dự phòng... phần nào cho thấy những yếu kém về mặt quản trị, chiến lược đã tồn tại từ lâu trong doanh nghiệp, chứ không chỉ do yếu tố khách quan. Đó cũng là lý do khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sau hủy niêm yết bắt buộc thường vẫn ảm đạm.

Kể từ khi rời sàn, Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) vẫn thua lỗ với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Mới đây, Công ty đã ra thông báo chấm dứt hoạt động của chi nhánh Vũng Tàu và giải thể công ty con là Công ty Sửa chữa Tàu biển Phương Nam. Nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như  MTGas (MTG), Thép Bắc Việt (BVG), Hữu Liên Á Châu (HLA), Vật tư Tổng hợp và Phân bón Hóa sinh (HSI)...

Trong hơn 50 doanh nghiệp đã rời sàn (tính từ năm 2010) vì lý do thua lỗ, muốn tìm những trường hợp kinh doanh có cải thiện ví như “đãi cát tìm vàng”. Đó là vì các doanh nghiệp này hoặc công bố kinh doanh tiếp tục thua lỗ hoặc không công bố thông tin. Không thiếu trường hợp vẫn đăng tải các con số cũ của năm 2014.

Do đó, dù đã bị chuyển sang sàn UpCOM thì cổ phiếu của các công ty hủy niêm yết bắt buộc vẫn èo uột. Mức giá cao nhất dành cho những mã đã rời sàn vì lý do thua lỗ chỉ khoảng 3.000 đồng/cổ phiếu, còn lại trung bình trong khoảng 1.000-1.500 đồng/cổ phiếu. Có những mã về dưới 1.000 đồng như Lilama 3 (LM3).

Nếu lỡ nắm giữ các cổ phiếu bị rời sàn bắt buộc, việc thường làm của giới đầu tư là tháo chạy, bất chấp giá cổ phiếu rớt ở mức nào. Nhưng muốn tháo chạy cũng khó, bởi hầu hết cổ phiếu trong diện này có rất ít giao dịch, với khối lượng chỉ 100-200 cổ phiếu/phiên, có ngày không có giao dịch nào diễn ra. SQC, chẳng hạn, hiện trắng xóa thông tin giao dịch.

Trong một thị trường chứng khoán mà việc tìm kiếm lợi nhuận đã trở nên khó khăn, đòi hỏi đầu tư phải khôn ngoan và chú ý đến giá trị doanh nghiệp thì những cổ phiếu thua lỗ triền miên khó có thể là lựa chọn của giới đầu tư. Vì thế, sự ra đi của các cổ phiếu này là cần thiết. Đó được xem như bước sàng lọc, để thị trường ngày càng có nhiều hàng hóa chất lượng.

Viết Nguyên


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới