Đau đầu với bài toán giảm lãi suất
Một số ngân hàng vừa tuyên bố hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn 0,5%-1%/năm. Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng hạ lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh.
Các ông lớn vào cuộc
Để chia sẻ khó khăn với DN, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank, cho biết đối với những công ty đang sản xuất kinh doanh tốt vay vốn trung và dài hạn, VietinBank sẽ áp dụng lãi suất cho vay không vượt quá 10%/năm. Riêng những công ty có khả năng kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh thì ngân hàng này tiếp tục xem xét để có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn khoảng 1%/năm so với mặt bằng lãi suất hiện nay.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ dành gói ngân sách khoảng 300 tỉ đồng để hỗ trợ DN trực tiếp sản xuất kinh doanh vay, với lãi suất ưu đãi tối đa 10%/năm trong thời gian một năm. Đây là gói ngân sách mà chúng tôi có được từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hóa quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh của ngân hàng” - ông Thọ cho biết thêm.
Tương tự, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng BIDV, cho hay đã hạ suất cho vay ngắn hạn thêm 0,5%/năm. Đối với các công ty hoạt động tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh thì được vay lãi suất trung dài hạn tối đa không quá 10%/năm.
Không chỉ các ngân hàng thương mại nhà nước đi tiên phong trong cuộc hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất cho vay mà những ngân hàng cổ phần cũng đã bắt đầu nhập cuộc. Theo đó, Ngân hàng TPBank vừa công bố dành 5.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm dành cho các công ty xuất nhập khẩu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại ngân hàng này cũng như các đơn vị công nghiệp phụ trợ. Những công ty có tình hình tín dụng tốt, đạt được các tiêu chí do Techcombank đưa ra cũng có cơ hội được hưởng lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5% đến 1% so với biểu lãi suất cho vay đang áp dụng.
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB, kỳ vọng với các chính sách ưu đãi về lãi suất, hạn mức cho vay cùng những hỗ trợ như tư vấn tài chính… sẽ giúp cho các DN mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh. Hiện SHB áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa 10%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn. Đối với các khoản cho vay ngắn hạn, ngân hàng này xem xét giảm lãi suất 0,5% so với mức lãi suất hiện hành.
Chi phí vốn vẫn rất cao
Tuy một số ngân hàng đã giảm lãi suất nhưng trên tổng thể mặt bằng lãi suất chung vẫn còn cao, gây khó khăn cho DN. Trong một báo cáo về tình hình DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy lãi suất thực mà DN đang phải chịu đựng là 7%-8%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Đơn cử lãi suất thực của Philippines chỉ 2,2%/năm, lãi suất thực của Malaysia là 2,1%/năm.
“Các DN trong nước đang phải gánh chịu các chi phí của cả các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng như nợ công của Chính phủ. Mặt bằng lãi suất hiện nay cần phải được giảm thêm 2% nữa mới về mức hợp lý. Vì thế, Chính phủ nên đặt mục tiêu cụ thể giảm lãi suất thực 1%-2% trong thời gian tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất” - báo cáo của VCCI khuyến nghị.
Tuy vậy, triển vọng giảm thêm lãi suất cho vay trên diện rộng đang đứng trước nhiều thử thách và là bài toán đau đầu đối với các ngân hàng. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích khi các ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay sẽ kéo theo các ngân hàng thương mại cổ phần trên toàn hệ thống cũng phải hạ lãi suất vì yếu tố cạnh tranh.
“Song chi phí vốn hiện tại vẫn còn rất cao, lãi suất huy động đã tăng lên trong thời gian vừa qua. Do vậy, việc giảm lãi suất cho vay trong điều kiện hiện tại được xem là sự nỗ lực đáng kể của các ngân hàng. Sự chia sẻ này có lẽ chịu tác động từ chỉ đạo của Chính phủ hơn là điều kiện của thị trường” - ông Hiếu phân tích.
PGS-TS Trịnh Quốc Trung, Trưởng bộ môn ngân hàng thuộc khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế Luật, cũng cho rằng giảm lãi suất trung và dài hạn bằng kỹ thuật thì không khó nhưng về lâu dài điều này rất khó thực hiện. Bởi hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa muốn giảm lãi suất cho vay lại vừa thắt chặt chính sách tiền tệ và đây là hai mục tiêu rất khó thực hiện song song với nhau. Trong khi đó dư địa để giảm lãi suất cũng không nhiều, vì biên độ giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay chỉ có khoảng 2%-3%. “Thế nên lãi suất cho vay trung và dài hạn giảm có thể sẽ không dành cho tất cả DN (tức chỉ có một số đối tượng được ưu tiên - PV) - ông Trung nhận định.
Trong khi đó, theo lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM, việc giảm lãi suất vào thời điểm này là cần thiết với DN. Nhưng để có thêm nhiều cơ hội tiếp cận được nguồn vốn với chi phí lãi rẻ hơn, các DN cũng phải không ngừng đổi mới, làm ăn bài bản, khả năng trả nợ nhanh và đáp ứng độ tin cậy cao. Mặt khác, NHNN cần có những giải pháp mang tính đồng bộ thông qua các công cụ như giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, phân loại nợ, tăng dư trần nợ.
Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất Tại nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 4-2016 do Chính phủ vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay. Chính phủ cũng yêu cầu NHNN quản lý, giám sát các ngân hàng thương mại yếu kém; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khoa học công nghệ... gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Tín hiệu tốt Việc giảm lãi suất sẽ tạo hiệu ứng tốt cho thị trường. Cụ thể, đối với chủ đầu tư, khi tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi sẽ có điều kiện phát triển dự án nhanh hơn, tạo ra những sản phẩm đúng với nhu cầu thật của khách hàng. Khách hàng cũng được hưởng lợi khi có thể vay vốn với lãi suất thấp, giảm được các áp lực tài chính, có điều kiện để mua nhà. Ông LƯƠNG SĨ KHOA, |
Nguồn PLO
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Thu Hồng