Dư địa giảm thêm với lãi suất cho vay vẫn còn
Lãi suất huy động đã giảm về mức thấp hơn giai đoạn dịch bệnh. Ảnh: TL.
Theo đó, mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng hạ nhiệt đáng kể từ mức đỉnh của năm 2022. Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động đã giảm sâu về mốc trước dịch COVID, trong giai đoạn nền kinh tế trong quá trình phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là mục tiêu được ưu tiên. Đồng thời, việc duy trì mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp trong thời gian đủ lâu là cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn chưa giảm đủ nhiều đối với các hoạt động của nền kinh tế.
“Quá trình xử lý trái phiếu doanh nghiệp đến hạn vẫn cần rất nhiều nguồn lực và điều kiện tiên quyết để quá trình diễn tiến nhanh hơn là mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp”, VCBS nhìn nhận.
Đồng thời, tổ chức này cũng dự báo lãi suất cho vay sẽ có xu hướng giảm nhưng tốc độ chậm và tiếp tục thể hiện sự phân hóa. Biến động lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động. Do đó, năm 2023 khi lãi suất huy động đã giảm 250-270 điểm, dư địa giảm thêm đối với lãi suất cho vay vẫn còn. Đồng thời, giai đoạn này các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo VCBS, NIM trong xu hướng giảm trong khi nợ xấu có xu hướng tăng sẽ khiến các ngân hàng có xu hướng thận trọng về khẩu vị rủi ro đối với các khoản tín dụng. Do đó, sự phân hóa trong mức giảm lãi suất cho vay sẽ vẫn diễn ra.
“Lãi suất huy động đã giảm về mức thấp hơn giai đoạn dịch bệnh, lãi suất cho vay đã có những điều chỉnh giảm trong các tháng gần đây tuy có sự phân hóa giữa các ngành nghề và có độ trễ so với lãi suất huy động. Cần thêm thời gian trước khi tín dụng tăng khá trở lại”, VCBS nhận định.
Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, đối với thị trường vốn, mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh (trung bình 2,5-3,0 điểm %) nhờ định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước và nhu cầu vốn yếu dẫn đến thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng. Lãi suất cho vay giảm chậm hơn, nhưng về cuối năm đã trở nên ‘dễ thở’ hơn với doanh nghiệp. Do nhu cầu chi tiêu của người dân, hoạt động sản xuất và đầu tư tư nhân suy giảm, dẫn đến nhu cầu tín dụng thực trong nền kinh tế khá yếu.
“Dòng vốn bơm ra nền kinh tế một phần để hỗ trợ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản, một phần tài trợ các cho hoạt động thương mại và cho vay ngắn hạn”, VDSC nhận định.
Ở góc nhìn quản lý, Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Nếu tính thêm dư nợ hiện nay khoảng 13,56 triệu tỉ đồng, thì có nghĩa là gần 2 triệu tỉ đồng sẽ đưa thêm vào nền kinh tế vào năm 2024 nếu tăng trưởng tín dụng đạt 15% như dự kiến đặt ra.
Có thể bạn quan tâm
Triển vọng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư