Hủy
Kinh Doanh

Du lịch phải làm gì để giữ đà tăng trưởng kỷ lục?

Thứ Sáu | 16/02/2018 17:31

Năm 2017, ngành du lịch đã đạt kỳ tích tăng trưởng kỷ lục về tổng số khách quốc tế.
 

Tuy nhiên để duy trì đà tăng trưởng, đặc biệt về tăng trưởng cao lượng khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch cần phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức.

Kỳ tích tăng trưởng khách quốc tế

Năm 2017, ngành du lịch có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội, vị thế của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đã và đang được định hình. Du lịch có những bước tăng trưởng vượt bậc. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ trên Toquoc.vn.

Cụ thể, năm 2017, ngành du lịch ước đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1 % so với năm 2016, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ đô la Mỹ.

Theo Bộ trưởng, đây có thể coi là kỳ tích tăng trưởng kỷ lục về tổng số khách quốc tế và mức tăng trưởng số lượng khách quốc tế trong một năm đạt 3 triệu lượt khách so với năm 2016.

Tăng trưởng khách du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội, đóng góp tích cực cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2017 là năm bội thu của du lịch Việt Nam tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới (WTA)…

Để đạt được những con số phấn khởi trên, Bộ trưởng cho biết, trong năm 2017, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Trong đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết riêng về du lịch với nội dung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 6/10/2017 giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết.  

Luật Du lịch (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XIV (ngày 19/6/2017), được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi hơn thu hút đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh, đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong năm qua đã có nhiều bước tiến, tập trung đẩy mạnh xúc tiến tại các thị trường khách truyền thống và các thị trường khách còn dư địa, có khả năng tăng trưởng mạnh…

Tập trung thực hiện các giải pháp để duy trì đà tăng trưởng

Dựa trên những thành quả đã đạt được của năm 2017, bước sang năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, dự báo ngành du lịch tiếp tục có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Tuy nhiên để duy trì đà tăng trưởng, đặc biệt về tăng trưởng cao lượng khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch nhận thấy cần phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Bộ trưởng, một trong những thách thức lớn đó là trong hai năm liên tiếp du lịch Việt Nam đã có mức tăng trưởng cao khách quốc tế đến Việt Nam, đạt 26% năm 2016 và 29,1% năm 2017.  

Chỉ tiêu Chính phủ giao ngành du lịch thực hiện trong năm 2018 là đón từ 15-17 triệu lượt khách quốc tế (tăng trưởng từ 16-30% so với năm 2017), phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa. 

Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra cho năm 2018, Bộ trưởng cho rằng, ngành du lịch cần tập trung thực hiện các giải pháp để duy trì đà tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa.

Trong đó, toàn ngành triển khai các hoạt động quảng bá xúc tiến tại các thị trường trọng điểm, tăng cường hợp tác công – tư, huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, đổi mới hoạt động quảng bá xúc tiến để nâng cao hiệu quả.

Ngành du lịch phối hợp chặt chẽ với ngành hàng không, các hãng hàng không trong nước và quốc tế trong việc tăng tần suất các đường bay đã có và thiết lập các đường bay mới từ các thị trường trong điểm đến các sân bay tại các điểm đến còn nhiều dư địa phát triển như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Cát Bi, Huế, Vân Đồn…

Mặt khác, ngành du lịch cần tăng cường quản lý điểm đến đến đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch.

“Đây là vấn đề hết sức quan trọng cần được phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan, với sự chủ trì của chính quyền địa phương các cấp, sự tham mưu đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Đây chính là hoạt động xúc tiến tại chỗ nhằm hướng tới sự hài lòng của du khách” – Bộ trưởng nói.

Nguồn Báo Chính phủ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới