Hủy
Kinh Doanh

Dự thảo Nghị định kinh doanh bia: Băn khoăn chuyện dán tem

Thứ Tư | 12/11/2014 22:31

Hôm nay 12/11, Hiệp hội rượu bia nước giải khát Việt Nam tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia.
 

Ông Nguyễn Văn Việt-Chủ tịch Hiệp hội rượu bia cho biết, hiện Việt Nam đã sản xuất được 3 tỷ lít bia, trung bình 32 lít/đầu người là tạm đủ, không nhiều. Hiện Việt Nam đứng thứ trên 50 trên thế giới về bia sản xuất. Đây là ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp ngân sách 30% thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế của ta 50 USD/100 lít bia là mức thuế cao. Vấn đề hiện nay là cần phải tập trung vào các giải pháp quản lý chất lượng thay vì các mệnh lệnh, giải pháp hành chính, trong đó việc quy định dán tem rượu bia là một ví dụ.

Huỳnh Văn Nam – Trưởng phòng chính sách thuế - Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cũng nêu thực tế: Nếu phải dán tem rượu bia thì Bộ Công Thương phải bổ sung làm rõ công nghệ, máy móc, kỹ thuật… dán tem. Chúng tôi thấy khi triển khai dán tem rượu đã gặp vướng mắc về chi phí dán tem không biết thuộc về doanh nghiệp hay thuộc về Nhà nước. Nhưng thuộc về ai thì cũng phải tốn 1 khoản chi phí, và đứng dưới góc độ quản lý, nếu chịu khoản chi phí này thì cũng mất 1 khoản ngân sách. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chịu chi phí này thì cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật S&B cho rằng, nên bỏ quy định về dán tem rượu bia vì hiện nay đã có quy định gắn nhãn hàng hóa, và trong khi lưu hành trên thị trường đã tuân thủ luật sở hữu trí tuệ và khi gắn nhãn hàng hóa đã tuân thủ các quy định này. Việc gắn mã số, mã vạch cũng đã đảm bảo vấn đề nhãn hàng hóa rồi, nên không nên đưa quy định về dán tem.

Nếu dán tem cho sản phẩm sẽ tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, như dán tem cho mũ bảo hiểm, thuốc lá… cũng chưa đánh giá được hết tác động của việc dám tem này, nên việc dán tem sẽ làm tăng chi phí không cần thiết, chưa kể tem giả vẫn đang là vấn nạn khó dẹp.

Ông Phan Đăng Tuất- Công ty nước giải khát Sài Gòn cho hay, nếu dán tem thì tính riêng với bia Sài Gòn sẽ tốn 920 tỷ đồng/năm, trung bình 696 đồng/lít bia. Chưa kể là sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật vì dán tem phải chuẩn xác 100%, không chuẩn là vứt đi hết, lãng phí kinh khủng. Theo ông Tuất, mục tiêu của nghị định là gì? Lẽ ra nghị định nên bám vào vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ và kỹ thuật sản xuất liên quan đến môi trường, an toàn và tiết kiệm năng lượng.

Bùi Trường Thắng- Vụ phó Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, đối với đề án dán tem bia, Bộ Công Thương đã xin chủ trương để triển khai một số nội dung. Với đề án này đã thành lập 1 tổ liên bộ, qua thời gian xây dựng và khảo sát, hiện nay đã hoàn thiện đến bước xây dựng hồ sơ mời các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài, và hồ sơ này cũng có đầy đủ quy định về kỹ thuật, thẩm mỹ, giải pháp để dán tem… đây là công cụ của quản lý nhà nước.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới