Hủy
Kinh Doanh

Heo kêu cứu SOS!

Đức Tài Thứ Ba | 09/05/2017 17:07

Con heo “chết” vì sự liên kết trong ngành quá yếu.
 

Masan đã xây dựng trang trại nuôi heo quy mô 1.000 tỉ đồng, thể hiện cả tham vọng và kỳ vọng trong thị trường thịt heo lên tới 18 tỉ USD. Thế nhưng, trong bối cảnh đó, những hộ dân nuôi heo lại phải nhờ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra lời kêu cứu khẩn thiết khi thịt heo xuống giá thê thảm trong gần nửa năm qua, tạo ra nguy cơ đổ vỡ thị trường và khiến hàng triệu hộ nông dân nuôi heo lao đao.

Yếu tố Trung Quốc

Ghi nhận thị trường cho thấy giá thịt heo đã giảm 5 tháng liên tiếp, có thời điểm chỉ còn 18.000-20.000 đồng/kg thịt heo hơi, không bằng một ly cà phê bình dân. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và thấp trên thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chăn nuôi Việt Nam trong 15 năm qua luôn đạt mức tăng trưởng cao, vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa. Trong đó, đặc biệt là mặt hàng thịt heo (ngành chiếm 70% thị phần sản phẩm chăn nuôi với gần 3 triệu hộ nông dân tham gia cùng các doanh nghiệp) đang phải đối mặt với những bất lợi rất lớn về thị trường. Cụ thể hơn, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng thông thường cả nước mỗi năm chỉ nuôi được khoảng 27,5 triệu con heo. Số lượng này vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, vừa xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, tổng đàn heo của cả nước những tháng đầu năm 2017 đã lên gần 30 triệu con.

Đứng trước lời kêu cứu của ngành chăn nuôi heo, Bộ Công Thương nhận định nguyên nhân chủ yếu là do hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng thị trường này chững lại, dẫn đến thừa cung. Người chăn nuôi đã không nhận được chia sẻ, khuyến cáo chuyện điều tiết thị trường phân bổ số lượng nuôi phù hợp. Đây cũng là nguyên nhân chung dẫn đến các cuộc giải cứu hàng loạt mặt hàng nông sản từ chuối, thanh long đến dưa hấu, vải thiều diễn ra liên tục trong những năm gần đây.

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ngao ngán nói: “Giờ nếu muốn cứu heo, chắc phải vận động mỗi gia đình mua 10kg thịt heo về làm chà bông dùng dài ngày”. Trước việc giá heo hơi giảm sâu, một số chuyên gia và doanh nghiệp đã đề xuất giải pháp thu mua tạm trữ thịt heo cấp đông nhằm giảm áp lực nguồn cung, kéo giá nhích lên, giúp cho người chăn nuôi bớt thua lỗ.

Cần những chuỗi liên kết

Theo Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, việc người Việt Nam có thói quen dùng thịt tươi trong ngày, ngoài vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm còn tạo áp lực cho người chăn nuôi và tạo cơ hội cho thương lái thao túng, ép giá. Nếu áp dụng đồng bộ việc giết mổ công nghiệp cấp đông, người chăn nuôi sẽ vào đàn một thời điểm và cho xuất bán cùng một lứa, qua đó sẽ tiết giảm được chi phí, hạ giá thành và cũng có thể hạn chế được nguy cơ dịch bệnh. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không thực sự hiệu quả. Ông Nguyễn Đăng Vang cho biết: “Nếu kiến nghị doanh nghiệp mua thêm, tôi nghĩ cũng sẽ không giải quyết được vấn đề gì vì nhu cầu của thị trường chỉ có như vậy. Thịt thừa nhiều nên sức mua không hết. Hạn chế nhập khẩu thịt để bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước cũng không hiệu quả lắm. Hiện nay, nhập khẩu thịt heo vào thị trường Việt Nam không đáng bao nhiêu cả, tính ra không đến 1%”.

Các chuyên gia cho rằng, biện pháp xây dựng chuỗi cung ứng đồng bộ mới cắt đứt được sự thao túng bấy lâu nay của thương lái, bởi thực tế, giá thu mua tại chuồng thấp nhưng giá bán tại các chợ luôn cao. Phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc cũng là nguyên nhân, đặc biệt việc xuất khẩu thịt heo theo đường tiểu ngạch cũng làm cho nông dân Việt Nam dễ bị rơi vào thế bị động với kế hoạch sản xuất... Theo ông Đức Bình, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hầu hết những người gặp khó khăn là những hộ nuôi nhỏ lẻ hoặc chưa có kế hoạch lập đàn hợp lý. Ban đầu, thương lái Trung Quốc vào thị trường, đẩy mạnh tìm kiếm thu mua, kể cả heo mỡ, heo quá lứa, những hộ chạy theo lợi nhuận đổ xô nuôi. Sau đó, thương lái dừng mua khiến đàn heo dư thừa số lượng lớn, dẫn đến cảnh bán tháo.

“Tôi thấy rằng, đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho người làm nông nghiệp nói chung và người chăn nuôi nói riêng. Mặt khác, cũng là cuộc sàng lọc những người sản xuất kinh doanh yếu kém, thị trường chỉ còn những người biết tính toán và kinh doanh bài bản”, ông Bình nhận định.

Thực tế, chỉ có các hộ nuôi heo quy mô nhỏ “kêu cứu”, còn các doanh nghiệp như Vissan, C.P và một số doanh nghiệp quy mô khác vẫn bình ổn. Thực tế, Vissan hay C.P là những doanh nghiệp có phân khúc riêng, không chăn nuôi đại trà mà theo quy trình. Trong khi đó, chăn nuôi heo hiện chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ (chiếm 55%), tách rời chuỗi liên kết dẫn tới giá thành cao, khó kiểm soát chất lượng, khó tạo niềm tin với thị trường, người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro trước biến động giá.

Chính vì vậy, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sẽ không chỉ tạo niềm tin với thị trường trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu, giúp người nông dân có vị thế tốt hơn. Dư thừa đàn heo là cảnh báo ngành chăn nuôi heo nói riêng và chăn nuôi nói chung cần tái cơ cấu, xác định đàn cho phù hợp, giảm giá thành sản xuất mới có thể trụ lại được, cạnh tranh sòng phẳng ở thị trường trong nước và nước ngoài.

Đại diện Công ty Vissan cho biết, người chăn nuôi cũng cần được xây dựng hệ thống sản xuất thịt heo theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào và đầu ra. Tham gia vào chuỗi sản xuất thịt heo, người chăn nuôi có thể liên kết lại, lập nhóm, tổ hợp tác để thương thảo với các công ty sản xuất thức ăn gia súc, thuốc thú y để có nguồn cung đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý, đồng thời tạo khối liên kết mạnh để đàm phán với các đơn vị thu mua, các siêu thị...

Chẳng hạn, dự án Le Porc du Mékong với 3 doanh nghiệp Pháp xây dựng một dây chuyền sản xuất khép kín 3F (thức ăn - trang trại - thực phẩm). Grimaud chọn giống, Neovia Việt Nam có trách nhiệm sản xuất thức ăn gia súc, còn Le Boucher phụ trách chế biến và phân phối sản phẩm. Khoảng 600 hộ gia đình Việt Nam đã tham gia dự án này. Hay C.P cũng đưa những nông dân Việt Nam hợp tác với Công ty sang Thái Lan, Malaysia, Nhật để học tập các mô hình chăn nuôi heo. Đây là mô hình tương tự tại Mỹ, ngành chăn nuôi heo với sản lượng heo hơi xuất chuồng gần 11 triệu tấn/năm, chỉ chịu chi phối bởi 10 chuỗi liên kết giá trị, đứng đầu của mỗi chuỗi là một doanh nghiệp (tập đoàn), dưới đó là các trang trại, hộ chăn nuôi gia công. Tại Nhật hay Thái Lan, sản phẩm chăn nuôi hàng hóa đa số đều xuất phát từ các chuỗi liên kết sản xuất.

Một nghịch lý khác của ngành chăn nuôi heo là trong khi thịt heo phải giải cứu thì nhiều doanh nghiệp vẫn phải nhập từ nước ngoài. Chẳng hạn, có doanh nghiệp sẵn sàng bao tiêu 100 container trong 1 tháng nhưng không kiếm được đơn vị nào có thể cấp đông đủ số lượng heo mà doanh nghiệp cần. Ngoài ra, còn có khó khăn về tiêu chuẩn, hệ thống kho bãi, hệ thống cấp đông, chất lượng xử lý sau giết mổ...

Được biết, Vissan có kế hoạch giết mổ 1.500 con heo, hiện tại đã cấp đông 200 con và có kế hoạch tăng thêm 100 con/ngày. Con số này còn rất khiêm tốn so với số lượng heo dư thừa hiện nay. Tuy nhiên, không chỉ có kho của Vissan mà còn của nhiều doanh nghiệp khác ở các lĩnh vực thực phẩm, thủy sản. Do đó, nếu có sự liên kết của doanh nghiệp cũng có thể giải quyết được một phần bài toán “cấp đông” số lượng lớn thịt heo.

Tất cả những vấn đề nêu trên của ngành chăn nuôi heo cho thấy: con heo “chết” vì sự liên kết trong ngành quá yếu.

Đức Tài


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới