HSBC: Thời kỳ thâm hụt thương mại liên tiếp của Việt Nam đã qua
Để chứng minh cho nhận định của mình, HSBC đưa ra một loạt các số liệu kinh tế nổi bật của Việt Nam thời gian qua. Chỉ số quản trị mua hàng ngành sản xuất HSBC (HSBC PMI) của Việt Nam đã tăng từ mức 50,3 trong tháng 8 lên mức 51,7 trong tháng 9 do có nhiều đơn hàng mới hơn, giá cả đầu vào giảm đáng kể. HSBC PMI phản ánh khá rõ xu hướng hoạt động rất tốt của lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam.
PMI đã liên tục tăng trong 12 tháng liên tiếp kể từ tháng 9/2013. Trong quý 3, lĩnh vực sản xuất đã tăng vượt bậc ở mức 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 1,9 điểm phần trăm vào tỷ lệ tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái của nền kinh tế.
Với hàng tồn kho giảm, HSBC kỳ vọng sản lượng sẽ tăng cao hơn trong quý 4, phản ánh dự báo của HSBC về mức tăng trưởng GDP 6% vào quý 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ngắn hạn, HSBC kỳ vọng nền kinh tế sẽ duy trì ổn định.
GDP trong quý 3 đạt 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 5,5% trong quý 2 do sản xuất tăng trưởng và lĩnh vực dịch vụ ổn định, bán lẻ còn yếu, HSBC nhận định.
CPI tháng 9 tiếp tục giảm, HSBC kỳ vọng CPI ở mức thấp hơn 4% vào cuối 2014. Áp lực lạm phát nhẹ khi nguồn cung thực phẩm dồi dào, lực cầu trong nước yếu, tín dụng tăng trưởng thấp và giá cả xăng dầu thấp.
Trong khi lĩnh vực sản xuất phát triển ngày càng mạnh mẽ, ngành dịch vụ của Việt Nam dường như chững lại, HSBC nhận định. Mặc dù có sự chuyển đổi mạnh về nhân khẩu học và thu nhập gia tăng, sức phát triển của ngành dịch vụ vẫn đang ở mức thấp do lòng tin người tiêu dùng yếu và tỷ lệ nợ xấu cao trong lĩnh vực tài chính.
Tín dụng hạn chế cho khối công ty nhà nước khiến tăng trưởng thu nhập của nhiều người lao động Việt Nam chững lại, nhất là ở phía Bắc, theo HSBC. Thực tế là các gia định Việt Nam hoặc đang trả dần các khoản nợ, hoặc bị giảm tài sản do vàng và bất động sản rớt giá, hoặc có ít cơ hội việc làm hơn và những điều này khiến họ thắt chặt túi tiền và giảm độ chấp nhận rủi ro.
HSBC cho rằng, trừ khi niềm tin người tiêu dùng tăng trở lại, nếu không chỉ có lĩnh vực xuất khẩu là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế.
Theo HSBC, trong những năm gần đây, thâm hụt thương mại của các công ty trong nước đã giảm dần trong khi xuất siêu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao hơn, góp phần ổn định đồng nội tệ và nền kinh tế. Tăng trưởng của xuất khẩu giúp bù đắp phần đầu tư chậm lại và nhu cầu lao động tăng.
Dù vẫn còn các khoản đầu tư không hiệu quả, HSBC tin thời kỳ thâm hụt thương mại liên tiếp của Việt Nam đã qua. HSBC kỳ vọng chính sách của chính phủ sẽ tập trung vào phát triển giá trị các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng hạ tầng cơ sở công thực sự cần thiết và tăng cường cho đào tạo tay nghề kỹ thuật cao.
Theo HSBC, phiên họp Quốc hội đang diễn ra là một dịp quan trọng để theo dõi cam kết của các nhà làm chính sách đối với cải cách.
Viễn cảnh kinh tế Việt Nam sẽ ra sao trong ngắn hạn?
HSBC kỳ vọng Việt Nam có thể duy trì thặng dư thương mại nhỏ nhờ nguồn lao động cạnh tranh, miễn là các công ty trong nước, đặc biệt là các công ty nhà nước không có những gói tín dụng lớn dẫn tới sử dụng các gói này để nhập siêu và bóp méo cán cân thương mại khoảng trên 15 tỷ USD.
Qua một nghiên cứu về cấu trúc sở hữu thương mại, HSBC cũng thấy các công ty trong nước đang mất dần tính cạnh tranh, và vấn đề này cần được giải quyết trong trung hạn. Các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam tạo cơ hội cho các công ty trong nước học hỏi công nghệ mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm và thu nhập cho người dân chưa có kỹ năng ở khu vực nông thôn.
Tuy vậy, HSBC cho rằng nhà nước cũng phải hết sức chủ động đưa ra các chính sách để tối đa hóa các cơ hội đó. Để đạt được điều này, các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện bước đầu tiên là giảm dầu tư lãng phí. HSBC không kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt hơn 10% trong năm nay.
Nguồn Theo DVO/HSBC
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư