Hủy
Kinh Doanh

Không có chuyện thiếu xi măng

Thứ Ba | 20/05/2014 09:11

Nhiều nhà máy xi măng sản xuất cầm chừng 30-40% công suất, thậm chí chấp nhận bán lỗ để đẩy hàng đi.
 

Cùng với triển vọng kinh tế lạc quan hơn và tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng được dự báo vào khoảng 7-10%/năm, có ý kiến cho rằng trong 2-3 năm tới Việt Nam có thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu xi măng. Tuy nhiên, ý kiến này không thực sự thuyết phục.

Cơ sở của nhận định này là 4 tháng đầu năm nay, thị trường xi măng Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc. Sản lượng tiêu thụ trong nước đạt 15,5 triệu tấn và xuất khẩu được 5,5 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, theo Vụ Vật liệu Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, trên thực tế, vài năm qua, do ngành xây dựng và bất động sản gặp khó, nhiều nhà máy đã cắt giảm mạnh sản lượng sản xuất so với thiết kế ban đầu. Tính đến năm 2012, tổng công suất của các nhà máy trong nước là 68,5 triệu tấn trong khi theo hãng nghiên cứu thị trường Anh Business Monitor International, tổng sản lượng chỉ đạt 47,9 triệu tấn, tức trung bình, các nhà máy chỉ chạy khoảng 70% công suất thiết kế. Đến năm 2013, tình hình cũng không khá hơn: tổng công suất của ngành xi măng tăng 11%, trong khi sản lượng thực tế và nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn không cải thiện.

Thậm chí đến năm 2015, khi các nhà máy mới được đưa vào khai khác, tổng công suất thiết kế của cả nước có thể đạt đến 85 triệu tấn, một con số rất lớn so với mức tiêu thụ trong nước được dự báo chỉ vào khoảng 59,7 triệu tấn.

Ông Trương Phú Cường, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM, cũng không cho là Việt Nam sẽ bị thiếu xi măng. Ông cho biết thời gian qua do áp lực tồn kho, phần lớn các nhà máy xi măng đã phải cắt giảm tối đa công suất hoạt động. Nhiều nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng 30-40% công suất, thậm chí chấp nhận bán lỗ để đẩy hàng đi.

Trên thực tế, những khó khăn mà ngành xi măng phải đối mặt vẫn rất lớn. Tháng 4 năm ngoái, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết chỉ khoảng 50% doanh nghiệp xi măng có thể trụ được, 30% doanh nghiệp khó khăn và 20% hết sức khó khăn và có nguy cơ phá sản. Một số doanh nghiệp nhỏ bị thua lỗ nặng nề và có nguy cơ chuyển hướng hoạt động, trong khi một số khác phải chuyển nhượng một phần vốn, tài sản cho nhà đầu tư nước ngoài như Xi măng Chinfon, Thăng Long.

Đó có thể xem là hệ quả của tình trạng đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả của ngành xi măng Việt Nam trong những năm qua. Thế nhưng, xi măng vẫn là ngành được Nhà nước bảo hộ nhiều. Chỉ riêng 4 doanh nghiệp xi măng Đồng Bành, Cẩm Phả, Thái Nguyên và Hạ Long đã lỗ tổng cộng tới hàng ngàn tỉ đồng (năm 2012). Các công ty này không thể trả được nợ, nên cuối cùng Bộ Tài chính phải đứng ra gánh vác thay.

Rõ ràng, vấn đề lớn nhất của ngành xi măng Việt Nam không nằm ở việc thiếu cung mà là tái cấu trúc ngành theo hướng hiệu quả hơn, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước.

Một vấn đề quan trọng khác đối với xi măng Việt Nam là ngành vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ lạc hậu thừa hưởng từ Nga, Pháp và Trung Quốc. Thực tế này đã khiến nó trở thành một trong những ngành tiêu thụ năng lượng và gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất. Theo StoxPlus, các nhà máy xi măng của Việt Nam phải chịu chi phí nhiên liệu chiếm đến 48% tổng chi phí sản xuất, tiếp đến là điện năng (16%), khiến khả năng cạnh tranh của ngành xi măng Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Theo chủ trương của Chính phủ, đến năm 2015 Việt Nam phải chấm dứt hoạt động của tất cả hệ thống xi măng lò đứng và chuyển sang xi măng lò quay và tất cả các nhà máy phải tự túc ít nhất 20% năng lượng điện từ việc tận dụng nguồn nhiệt khí thải thừa.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới