Hủy
Kinh Doanh

Làm thương hiệu cho trái quê

Hoàng Dung Thứ Tư | 09/03/2022 13:30

Tùy vào thời điểm và mùa vụ, ở những giai đoạn cao điểm, trái cây Việt Nam có thể chiếm đến 30% tại Mia Fruit. Ảnh: daidoanket.vn

Con đường tăng giá trị cho cái cây Việt Nam trong nỗ lực tìm những thị trường mới.
 

Năm 2021, mận hậu Ruby bất ngờ xuất hiện tại hệ thống cửa hàng trái cây cao cấp bên cạnh các dòng trái cây ngoại. Giá mỗi ký mận hậu Ruby khoảng 230.000 đồng, cao gấp 8-10 lần so với giá bán trước đó tại các thị trường truyền thống như chợ hay siêu thị. Trước đó 2 năm, mận hậu Sơn La bước vào con đường xuất khẩu chính ngạch sang Campuchia. Nhưng đây là lần đầu tiên mận hậu được đặt tên lại và bước vào dòng trái cây cao cấp, đồng thời chinh phục các thị trường khó tính hơn như Malaysia, Hồng Kông, Singapore và Đức.

Cạnh tranh trái cây ngoại 

Người viết nên câu chuyện này là bà Nguyễn Ngọc Huyền, nhà sáng lập Mia Fruit. Trong giới nhập khẩu trái cây, bà Huyền và thương hiệu Mia Fruit là cái tên quen thuộc, được khách hàng tin tưởng không chỉ bởi chất lượng sản phẩm mà còn ở cách xông pha, đón đầu thị trường và luôn chịu khó cải tiến trải nghiệm khách hàng. Bà Huyền cũng rất thành công với mô hình kinh doanh “quà tặng trái cây”. Nếu như ở những ngày khởi nghiệp, bà Huyền xây dựng thương hiệu cho Mia Fruit bằng sản phẩm trái cây nhập khẩu, đồng đều về chất lượng, an toàn, thì giai đoạn hiện tại, bà quan tâm đến việc tạo dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam. “Thương hiệu là minh chứng thuyết phục nhất cho chất lượng sản phẩm”, bà Huyền nói.

 

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, để đa dạng nguồn hàng cung cấp cho người tiêu dùng, bà Huyền lập chiến lược tiếp cận trái cây Việt Nam. Gần 10 năm gắn bó với trái cây cao cấp, bà Huyền đánh giá tiềm năng của thị trường là vô cùng lớn. Tuy nhiên, đời sống ngày càng được nâng cao, người dùng có điều kiến tiếp cận dòng trái cây cao cấp ngoại nhập thì nhu cầu của họ với sản phẩm càng khắt khe hơn. “Cốt lõi quyết định chất lượng của sản phẩm nằm ở phương pháp canh tác của người trồng”, bà Huyền nhấn mạnh.

Chọn mận hậu Sơn La để bắt đầu hành trình trái cây Việt Nam, bà Huyền có dịp gặp gỡ các hộ nông dân trồng mận tại Nà Ka, cho họ xem cách trồng nho mẫu đơn của nhà vườn Nhật - nơi bà từng có dịp đến thăm. Để có được những trái nho to tròn cỡ quả trứng gà ta, vỏ bóng, vị thơm, người nông dân Nhật đã cắt đi 50% lượng trái trên cây, 50% còn lại tỉa hẳn 70% trái bỏ đi để chăm sóc 30% trái còn lại.

Các hộ trồng mận tại Nà Ka đã mạnh dạn áp dụng phương pháp tỉa tán, hạ cành để cây quang hợp tốt hơn, gia tăng hương vị cho quả mận, cũng như đảm bảo đạt kích cỡ to nhất. Họ còn đầu tư xây dựng nhà giàn bảo vệ mận sắp đến mùa thu hoạch khỏi mưa đá. Hộ nào không đủ vốn sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ. Kết quả, mận hậu Sơn La thoát khỏi mác hàng nhà quê và được người dùng đón nhận. Riêng mận hậu của Mia Fruit được bà Huyền định vị lại bằng cái tên “mận hậu Ruby” và bắt đầu chinh phục thị trường cao cấp.

Tùy vào thời điểm và mùa vụ, ở những giai đoạn cao điểm, trái cây Việt Nam có thể chiếm đến 30% tại Mia Fruit. Nhưng giấc mơ của bà Huyền không chỉ gói ghém cho bản thân.

Bản đồ trái cây ra đời

Vốn dĩ là đơn vị chuyên về nhập khẩu trái cây, nhưng từ năm 2019, Mia Fruit bắt đầu xuất khẩu trái cây Việt Nam cao cấp. Mặc dù số lượng chỉ dừng ở mức khiêm tốn từ 500 kg đến 1-2 tấn và đi bằng đường hàng không nhưng bà Huyền đã nhen nhóm giấc mơ tạo thương hiệu quốc gia từ trái cây. “Nhắc đến sầu riêng, người tiêu dùng nghĩ ngay đến Musang King của Malaysia, nho sẽ nhớ ngay đến nho mẫu đơn của Nhật. Đó không chỉ là thương hiệu của một loại trái cây mà còn là thương hiệu của một nước. Mong mỏi của tôi là tạo dựng thương hiệu cho một số loại trái cây đặc trưng của Việt Nam như mận hậu Sơn La, dâu rẻ quạt Mộc Châu, cam bóc Phủ Quỳ...”, bà Huyền cho biết.

 

Theo số liệu do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của 11 loại trái cây đem lại giá trị cao cho Việt Nam đạt 1.795 triệu USD trong năm 2021, tăng 17% so với năm 2020. Con số này hoàn toàn có thể tiếp tục tăng nếu người làm nông nghiệp và các doanh nghiệp xuất khẩu tìm được phương thức để tăng giá trị cho trái cây Việt. Bên cạnh yếu tố tạo dựng thương hiệu và các tiêu chí về kiểm dịch, chất lượng đáp ứng yêu cầu của từng thị trường, theo bà Huyền, còn phải tăng cường giới thiệu, quy hoạch vùng trồng của Việt Nam, đồng thời hướng dẫn nông dân cách trồng trọt, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, bền vững nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá” như hiện nay.

Vì thế, ý tưởng Bản đồ trái cây (Fruit Map) ra đời. Suốt hơn 1 năm ròng, bà Huyền và đội ngũ đi khắp các tỉnh, thành Việt Nam để tìm hiểu vùng trồng cũng như thu thập dữ liệu và lập bản đồ số hóa. Từ một đường link, đối tác quốc tế chỉ cần click xem bản đồ là đã có hình dung tổng quát về trái cây Việt Nam, mùa vụ trong 12 tháng tiếp theo để có kế hoạch đặt hàng. Mô hình bản đồ này khi giới thiệu đến các đối tác quốc tế đã được Phần Lan ngỏ ý mua bản quyền để phát triển nông sản tại quốc gia họ và châu Âu.

Dự kiến tháng 9 hoặc 10/2022, mô hình Bản đồ trái cây sẽ hoàn chỉnh, đối tác quốc tế có thể tiến hành đặt hàng trực tiếp mà không cần tham dự các hình thức truyền thống như hội chợ hoặc tiếp cận tham tán thương mại. Hiện mô hình này đang có dữ liệu của 24.000 hộ nông dân Việt Nam gồm các thông tin chi tiết như trồng cây gì, tiêu chí chất lượng ra sao, số điện thoại liên hệ...

Hiện tại Mia Fruit đã mua lại cổ phần từ các cổ đông để chuẩn bị cho cuộc chơi lớn hơn.
Hiện tại Mia Fruit đã mua lại cổ phần từ các cổ đông để chuẩn bị cho cuộc chơi lớn hơn. Ảnh: TL.

Bà nói thêm: “Việt Nam chỉ là một thị trường tương tự như Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand, Đài Loan, hay Hàn Quốc... Tham vọng của tôi là tập trung vào xuất khẩu trong 3 năm 2022-2024, tập trung vào thị trường Mỹ và châu Âu với các mặt hàng trái cây cao cấp, có thương hiệu thay vì bán số lượng lớn”.

Từng gọi vốn thành công và đang được 2 quỹ đầu tư từ Nhật và Mỹ rót vốn, Mia Fruit hiện có 4 công ty thành viên, ở 4 mảng gồm bán lẻ, xuất nhập khẩu, phân phối và nền tảng Fruit Map. Hiện tại Mia Fruit đã mua lại cổ phần từ các cổ đông để chuẩn bị cho cuộc chơi lớn hơn. Cuối năm nay, Mia Fruit sẽ gọi vốn cho riêng Fruit Map, để Bản đồ trái cây không chỉ là nơi gặp gỡ giữa người mua và người bán mà còn cung cấp dịch vụ về kho bãi, vận chuyển cùng nhiều dịch vụ cộng thêm như tư vấn nhãn mác, làm thương hiệu, bao bì hay tổ chức triển lãm trái cây quốc tế.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới