Hủy
Kinh Doanh

Liệu Trump có khiến chính phủ Mỹ phải ngưng hoạt động vào tuần sau?

Thứ Ba | 25/04/2017 08:11

Quốc hội Mỹ sẽ còn thời hạn đến hết ngày 28/4 để thông qua một dự luật chi tiêu mới, nếu không chính phủ Mỹ sẽ phải tạm dừng hoạt động.
 

Nửa đêm ngày 28/4H tới đây sẽ là hạn chót để Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật chi tiêu để duy trì hoạt động của chính phủ cho đến tháng Chín, hoặc phải đối mặt với việc chính phủ ngừng hoạt động. Và theo tìm hiểu của Washington Post, các chuyên gia ngân sách tại Mỹ nghĩ rằng khả năng nào cũng có thể xảy ra.

Bình thường, khả năng Quốc hội có thể thông qua một thỏa thuận làm hài lòng đa số tại lưỡng viện là đã khó xảy ra. Nhưng lần này, một nhân tố ngoài luồng có thể làm thay đổi nhiều thứ sẽ chính là Tổng thống Trump.

Lieu Trump co khien chinh phu My phai ngung hoat dong vao tuan sau?
Khả năng mà Quốc hội Mỹ có thể thông qua dự luật ngân sách, tới ngày 21/4 là 50/50. Ảnh Washington Post

Để hiểu lý do tại sao, chúng ta hãy cùng lướt qua 3 kịch bản cho tuần này:

Kịch bản đẹp nhất

Lieu Trump co khien chinh phu My phai ngung hoat dong vao tuan sau?
Kịch bản đẹp nhất là cả 3 bên đều đồng ý. Ảnh Washington Post

Nhiều khả năng là Quốc hội, vốn đã trở lại vào thứ Hai sau kỳ nghỉ kéo dài hai tuần, sẽ đưa ra một kế hoạch chi tiêu không làm hài lòng tất cả, nhưng đủ để cả 2 đảng có thể nhân nhượng và để kế hoạch được cả lưỡng viện thông qua.

Dự luật này có thể cấp ngân sách cho cơ quan kế hoạch hóa gia đình như những gì mà Đảng Dân chủ muốn, nhưng cũng cắt bớt chi tiêu nội địa theo như mong muốn của Đảng Cộng hòa. Nếu Quốc hội thông qua nó đúng thời hạn, và ông Trump cũng sẵn sáng đặt bút kí, thì việc đóng cửa chính phủ sẽ không xảy ra.

Kịch bản khủng hoảng, phiên bản 1

Lieu Trump co khien chinh phu My phai ngung hoat dong vao tuan sau?
Kịch bản khủng hoảng, phiên bản 1: Đảng Dân chủ và nhóm House Freedom Caucus không ủng hộ. Ảnh: Washington Post

Theo kịch bản này, Quốc hội đưa ra một dự luật chi tiêu mà cả đảng Dân chủ và và những người bảo thủ thuộc Đảng Cộng hòa như là nhóm House Freedom Caucus ghét cay ghét đắng, vì nó tăng chi tiêu trong nước quá nhiều, chi không đủ cho quốc phòng, hoặc cắt giảm chi tiêu quá nhiều hay quá ít các khoản dành cho Obamacare v.v).

Khi đó, Quốc hội không thể  thông qua dự luật kịp thời hạn, và chính phủ sẽ ngừng hoạt động. Một trường hợp khác là họ sẽ thông qua việc gia hạn luật chi tiêu hiện tại thêm 1 tuần nữa để tiếp tục tranh luận.

Kịch bản khủng hoảng, phiên bản 2

Lieu Trump co khien chinh phu My phai ngung hoat dong vao tuan sau?
Lưỡng viện đồng ý, nhưng ông Trump thì không. Ảnh: Washington Post

Thông thường 2 kịch bản như trên là đủ rồi. Nhưng cũng có khả năng là Quốc hội đưa ra một dự luật chi tiêu có thể được lưỡng viện thông qua, và sau đó Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ không ủng hộ nó bởi vì nó không bao gồm những ưu tiên của ông (chẳng hạn như không cấp ngân sách cho việc xây một bức tường biên giới giữa Mỹ- và Mexico). Khi đó, chúng ta sẽ trở lại phiên bản 1 của kịch bản Khủng hoảng, vì Đảng Dân chủ từ chối cấp ngân sách cho việc xây bức tường biên giới trên, và các đảng viên Cộng hòa bảo thủ thì hoài nghi về số tiền phải chi ra.

Lúc này, đa số Quốc hội sẽ không ủng hộ dự luật và chính phủ Mỹ sẽ ngưng hoạt động.

Ngọn nguồn của hai kịch bản đầu tiên không phải là điều mới mẻ: Bị chia rẽ bởi các đảng phái ngày càng khó thay đổi ý kiến và nặng tính đấu đá, Quốc hội đã luôn phải đối mặt với nỗi lo về việc chính phủ phải ngừng ít nhất 1-2 lần mỗi năm trong vài năm qua. Từ trước tới nay mọi thứ vẫn tạm ổn, bằng cách thông qua các dự luật chi tiêu ngắn hạn giúp duy trì hoạt động của chính phủ ở mức hiện tại trong một vài tháng, hoặc tìm kiếm một sự thỏa hiệp giữa hai đảng để có thể chung sống bình yên với nhau trong một năm.

Kịch bản thứ 3, vốn phụ thuộc vào ý kiến ​​của Tổng thống Trump, sẽ có các quy luật hoàn toàn mới. Và chính sự khó lường của ông Trump đã khiến dự đoán của các chuyên gia ngân sách chuyển từ "nhiều khả năng chính phủ không đóng cửa" sang "bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra."

Thời hạn chót để Quốc hội thông qua dự luật ngân sách là ngày 29/4, cũng là thời điểm đánh dấu 100 ngày làm việc đầu tiên của ông Trump. Và Tổng thống Trump đã ngầm thừa nhận trên Twitter rằng: ông chưa thực sự đạt được một chiến thắng nào trong 100 ngày đầu tiên. Dự luật ngân sách lần này có thể là cơ hội cuối cùng của ông để giành được một thắng lợi nào đó.

Giám đốc ngân sách của chính quyền Trump là ông Mick Mulvaney, cho biết: "Chúng tôi muốn có ngân sách để xây bức tường. Chúng tôi muốn có các cảnh sát tuần tra. Đó là những ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi biết có rất nhiều người trên đồi Capitol, đặc biệt là ở Đảng Dân chủ, không ủng hộ việc xây bức tường, nhưng họ đã thua trong cuộc bầu cử. Và tôi nghĩ rằng Tổng thống ít nhất cũng phải có có cơ hội để cấp ngân sách cho một trong những ưu tiên lớn nhất của ông".

Tổng thống Trump chắc chắn có quyền để đưa những ưu tiên của mình vào dự luật chi tiêu, nhưng chẳng rõ liệu những gì ông muốn có được đa số Quốc hội thông qua hay không.

Chuyên gia ngân sách Stan Collender bình luận: "Còn không rõ là liệu ông Trump có biết rõ mình muốn gì hay không."

Bà Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban lưỡng đảng về Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm, nói rằng bà nghĩ đảng Cộng hòa rất muốn tránh việc đóng cửa chính phủ kỳ này, do đó cả Trump lẫn nhóm bảo thủ House Freedom Caucus sẽ không muốn đối mặt với rủi ro này, đặc biệt là sau khi họ thất bại trong việc bãi bỏ Obamacare chỉ vài tuần trước.

Bà Maya nói rằng: "Bất kể bên nào cũng có thể gây ra trở ngại có thể dẫn đến việc đóng cửa chính phủ, và rủi ro này đủ lớn để những cái đầu nóng trong Đảng Cộng hòa phải biết cách tự hạ nhiệt”.

Theo ông Steve Bell, cựu chuyên gia về ngân sách của Thượng viện, hiện làm việc ở Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, thì định nghĩa của ông Trump về một thắng lợi chính trị trong cuộc chiến ngân sách khác biệt hoàn toàn với truyền thống tại Quốc hội. Ông Trump không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp, và ông có thể nghĩ rằng chẳng có gì để thiệt thòi bởi những gì đang xảy ra tại Washington.

Ông Bell nói rằng: "Tôi không nghĩ ông ấy lo sợ việc chính phủ sẽ phải đóng cửa nhiều như những lãnh đạo Đảng Cộng hòa, bởi vì ông ấy có thể chỉ vào Quốc hội và nói: 'Thấy không? Đó là tại Quốc hội'".

Collender đồng ý rằng trong tất cả các yếu tố khó lường liên quan đến thời hạn cấp ngân sách, Trump là yếu tố khó lường lớn nhất.

Collender nói: "Câu hỏi chính là: Ông Trump quan niệm thế nào về chiến thắng? Hiện chúng ta không còn cách nào để biết. Đóng cửa chính phủ liệu có phải là một chiến thắng cho ông ấy không? Có thể lắm chứ".

Và đó là lý do tại sao dự đoán hiện tại của các chuyên gia về việc chính phủ ngừng hoạt động trong tuần tới là: không gì là không thể xảy ra.

Bá Ước

Nguồn WaPo


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới