Muôn nẻo thua lỗ của doanh nghiệp trong quý I
Hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh. Ảnh: Quý Hòa.
Trong 3 tháng đầu năm 2020, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải chứng kiến những hệ lụy trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khi các chuỗi giá trị đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự gián đoạn cung cầu hàng hóa, nguyên vật liệu.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê Việt Nam, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Cộng đồng chung Châu Âu (EU) đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Việt đã báo lỗ hàng ngàn tỉ đồng ngay trong quý I/2020.
Lỗ vì COVID-19
Ngành hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng và sớm nhất từ đại dịch COVID-19. Nửa đầu tháng 4.2020, lượng hành khách vận chuyển hàng không chỉ bằng 1-2% so với thời điểm trước khi có dịch. Hầu hết, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đang phải đậu lại tại các cảng hàng không, không được đưa vào khai thác.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết các hãng hàng không Việt Nam gần như đã dừng khai thác toàn bộ các đường bay quốc tế và nội địa trong quý I/2020. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) là một trong những doanh nghiệp có vốn Nhà nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.
Công ty cho biết, đại dịch COVID-19 đã có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu, trong đó có Vietnam Airlines. Tổng doanh thu và thu nhập khác trong quý I/2020 của Công ty mẹ giảm mạnh so với quý I/2019. Trong đó, chủ yếu là sự sụt giảm của hoạt động cung cấp dịch vụ. Tốc độ giảm doanh thu cao hơn tốc độ giảm chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ giảm mạnh. Trong 3 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines báo lỗ hơn 2.611 tỉ đồng, đây là quý đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ quý IV/2016.
Gọng kìm giá dầu và COVID-19
CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) báo lỗ hơn 2.348 tỉ đồng trong quý I/2020. Không riêng gì ngành Hàng không, ngành dầu khí cũng chịu nhiều tác động trong quý I/2020 khi bị kẹp giữa COVID-19 và sự sụt giảm mạnh của giá dầu.
Quý I/2020, giá dầu thô bắt đầu giảm mạnh, xuống còn 31,83 USD/thùng bình quân tháng 3.2020, giảm 47% so với bình quân tháng 12.2019. Với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của Nhà máy lọc dầu, Nhà máy luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bản, điều này dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng của tồn kho có giá trị cao hơn thị trường.
Ngoài ra, khoản chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính cũng suy giảm nghiêm trọng dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2020 giảm mạnh.
Thêm vào đó, trong quý I/2020 BSR còn chịu thêm tác động của dịch COVID-19 khiến nhu cầu sản phẩm lọc hóa dầu trong nước giảm rất mạnh. Các khách hàng của BSR gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, tồn khi tăng rất cao. Tác động kép này đã dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ của BSR trong quý I/2020.
Quy định về rượu bia và đại dịch COVID-19
Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) báo lỗ hơn 98,3 tỉ đồng trong quý I/2020. Habeco cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc thua lỗ trong quý I/2020 là do tác động kép của quy định về sử dụng rượu bia, đại dịch COVID-19 khiến sản lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Liên quan đến các quy định, từ năm 2020, theo quy định tại Nghị định 100/2019 về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người nào uống rượu, bia (dù uống ít) mà điều khiển xe máy, ôtô, thậm chí là xe đạp cũng bị xử phạt.
Bên cạnh đó, mức xử phạt của nghị định mới cao hơn nhiều so với nghị định cũ. Mức phạt tiền tới 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy có sử dụng rượu, bia; phạt tiền tới 40 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô có nồng độ cồn trong máu.
Ngày 24/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2020/ND-CP – có hiệu lực ngay lập tức -đưa ra các quy định chi tiết của một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nghị định 24 đưa ra các quy định về quảng cáo rượu bia trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng xã hội và các kênh khác.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), năm 2020 sẽ là một năm đầy thử thách đối với ngành bia. Hai yếu tố bất lợi chính trong năm nay là Nghị định 100/2019/NĐ-CP và dịch COVID-19 mà BVSC cho rằng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu thụ bia – rượu tại Việt Nam.
Thua lỗ do đầu tư chứng khoán
Trong quý I/2020, Công ty Chứng khoán BOS ghi nhận doanh thu đạt gần 107 tỉ đồng, tăng 191% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, BOS vẫn lỗ ròng 38 tỉ đồng trong quý I/2020.
Trong phần giải trình kết quả kinh doanh, Công ty cho biết nguyên nhân do đại dịch COVID-19 khiến giá cổ phiếu trong danh mục của Công ty sụt giảm, đồng thời phí hoạt động kinh doanh lại tăng 403% lên gần 140 tỉ đồng.
Đáng nói hơn, trong 140 tỉ đồng chi phí hoạt động kinh doanh là khoản lỗ gần 110 tỉ đồng do bộ phận tự doanh cắt lỗ cổ phiếu ROS.
Cụ thể, BOS đã bán ra 8,45 triệu cổ phiếu ROS với giá bình quân là 9.653 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị bán ra là 81,57 tỉ đồng, trong khi giá trị gốc của lượng cổ phiếu ROS này lên đến 191 tỉ đồng.
* Có thể bạn quan tâm
►Đầu tư chứng khoán: Tự doanh cắt lỗ, ngân hàng chốt lời khủng
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trần Chung
-
Trọng Hoàng
-
Quảng Định