Hủy
Kinh Doanh

Mỹ có thể bỏ mặc các công ty năng lượng

Thứ Năm | 11/12/2014 16:53

Dân chúng Mỹ sẽ giận dữ nếu Chính phủ quyết định cứu trợ nhóm doanh nghiệp này, tương tự như từng làm hồi khủng hoảng 2008.
 

Steen Jakobsen - kinh tế trưởng của Saxo Bank đã đoán đúng việc giá dầu lao dốc năm nay. Ông cho rằng giá sẽ xuống dưới 80 USD một thùng vào tháng 11. Và hiện tại, giá chỉ vào khoảng 65 USD.

Phần lớn chuyên gia kinh tế cho rằng bùng nổ khoan dầu và nhu cầu năng lượng khổng lồ trong nước đã giúp Mỹ hồi phục sau khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên, Jakobsen nhận định việc này sẽ sớm phản tác dụng, dù giá dầu giảm sẽ giúp người dân tiết kiệm được tiền đổ xăng.

Ông cho rằng năm tới, Chính phủ Mỹ có thể tìm cách cứu trợ ngành năng lượng nước này khi giá dầu thấp bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế. "Lĩnh vực năng lượng tương đối quan trọng với Mỹ. Vì trong dài hạn, mục tiêu chiến lược của Mỹ là độc lập về dầu mỏ", ông cho biết trên CNBC.

 "Nó sẽ khiến GDP mất ít nhất 0,5%. Việc này đã từng có tiền lệ rồi, như khủng hoảng giá dầu hồi thập niên 80 ấy", ông cho biết. Giờ đây, các hãng dầu mỏ cũng đang phải trải qua "đợt điều chỉnh khổng lồ", do chi phí thăm dò quá lớn, mà dòng tiền nhàn rỗi của họ chỉ còn rất ít.

Chứng khoán Mỹ đã lao dốc suốt từ đầu tuần này. Cổ phiếu ngành năng lượng cũng mất gần 12% trong năm. Giá dầu đang giao dịch ở đáy 5 năm, khi dầu Brent mất giá gần 40% từ tháng 6.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại cho rằng bất kỳ động thái nào cứu trợ ngành năng lượng, hoặc ngân hàng cho họ vay, cũng là rất khó tưởng tượng. Mỹ vẫn đang hồi phục từ sau khủng hoảng 2008. Thời điểm đó, ngân sách Chính phủ đã được dùng để cứu trợ các tổ chức tài chính tại phố Wall. Dennis Gartman - chủ biên The Gartman Letter cho biết: "Chúng ta đã cứu trợ các ngân hàng và khiến công chúng rất giận dữ. Nếu giờ cứu các công ty năng lượng, tình hình cũng sẽ y như vậy".

Ngành sản xuất dầu của Mỹ là lĩnh vực tư nhân, rất khác các công ty quốc doanh ở Nam Mỹ hay Vùng Vịnh. Tuy nhiên, chi phí khai thác của Mỹ đắt đỏ hơn. Các nhà kinh tế học cũng nhận xét 2 bên sẽ còn tiếp tục ganh đua sản lượng trước khi quyết định cắt giảm để kìm hãm dư thừa nguồn cung.

Harry Tchilinguirian – Giám đốc bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại BNP Paribas cho biết khả năng Chính phủ Mỹ can thiệp vào việc này là rất thấp. "Nếu giá dầu tiếp tục giảm cho đến năm 2016, dòng tiền tự do và khả năng vay vốn của các công ty nhỏ sẽ bị hạn chế. Nhiều vụ đóng cửa, phá sản có thể xảy ra. Nhưng từng ấy lý do đã đủ để Chính phủ vào cuộc chưa?", ông nhận xét.

Christian Schulz – nhà kinh tế học cấp cao tại Berenberg Bank cũng đồng ý rằng các công ty dầu mỏ và nhà băng cho họ vay vốn có thể sẽ gặp rắc rối nếu giá dầu thấp. Nhưng những việc này "cũng không đủ quan trọng về mặt hệ thống" để được Chính phủ cứu trợ. "Thay vào đó, các biện pháp giải quyết phi truyền thống sẽ được áp dụng nếu cần thiết. Khi ấy, một số nhà đầu tư và ngân hàng sẽ phải chịu mất tiền", ông cho biết.

Nguồn VnExpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới