Hủy
Kinh Doanh

Ngân hàng Việt và câu chuyện thẻ đồng thương hiệu quốc tế

Thứ Hai | 14/07/2014 17:35

Ngân hàng Việt đang mở rộng liên kết với các ông lớn tại Giải ngoại hạng Anh như Manchester City, Manchester United nhằm mở rộng thị phần.
 

Báo Đầu tư dẫn lời Đại diện Tổ chức Thẻ quốc tế Visa cho biết, sự xuất hiện của các loại hình thẻ đồng thương hiệu (co-branded card) đang trở thành hướng đi mới cho các ngân hàng trong cuộc đua mở rộng thị phần khi mà thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam đang dần bão hòa.

Theo đó, phát hành thẻ đồng thương hiệu cho phép ngân hàng giảm đáng kể chi phí phát hành lẫn chi phí quản lý, ngoài ra còn giúp tăng đáng kể thị phần khi phát hành thẻ cho các đối tượng là khách hàng của doanh nghiệp, tổ chức liên kết.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội ( SHB) đã ký thỏa thuận hợp tác phát hành thẻ ghi nợ đồng thương hiệu với câu lạc bộ bóng đá Anh Manchester City nhằm đến thị trường cổ động viên đông đảo của câu lạc bộ bóng đá hàng đầu giải Ngoại hạng Anh này tại Việt Nam.

Trước SHB, tháng 4/2013, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác 5 năm với một câu lạc bộ khác của Anh là Manchester United (MU) và cho ra đời thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ quốc tế đồng thương hiệu BIDV - MU. Hai bên mong muốn khai thác tiềm năng của khoảng 26,5 triệu fan hâm mộ MU, đứng thứ 5 thế giới tại Việt Nam.

Các câu lạc bộ bóng đá thông qua việc phát hành thẻ đồng thương hiệu có thể quảng bá thương hiệu của mình, bán quảng cáo và giải quyết tình trạng khó khăn về tài chính mà không cần phải mang cả đội đi du đấu.

Khách hàng sử dụng loại thẻ này cũng có cơ hội tiếp cận gần hơn với các câu lạc bộ bóng đá danh tiếng, hưởng ưu đãi khi mua sắm các sản phẩm lưu niệm, tới thăm đại bản doanh các câu lạc bộ...

Hiệu quả của các thương vụ hợp tác giữa ngân hàng và câu lạc bộ bóng đá danh tiếng thế giới hiện vẫn là một ẩn số. Năm 2011, MU cũng đã thu được 3 triệu USD từ việc bắt tay với mạng di động Beeline. Tuy nhiên, nước cờ mạo hiểm này không mang lại kết quả như mong đợi. Năm 2012, đối tác Nga đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho đối tác Việt Nam và mạng di động này được đổi tên thành Gmobile.

Nguồn Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới