Hủy
Kinh Doanh

Ngành dệt may trước thềm TPP: Vẫn loay hoay bài toán đầu vào

Thứ Ba | 29/09/2015 12:28

Ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa thể đóng góp được nhiều vào chuỗi giá trị, trừ mảng nhân công giá rẻ.
 

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2015. Trong đó, ngành dệt may dự kiến sẽ tiếp nhận nhiều khoản đầu tư khổng lồ từ nước ngoài trước thềm hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Bài toán đầu vào

CTCP May Hồ Gươm chuyên làm hàng may mặc ở Hà Nội cho biết, họ sản xuất ra 25 triệu sản phẩm mỗi năm. Dù tất cả các sản phẩm này được gắn nhãn "Made in Vietnam", nhưng hơn một nửa các nguyên liệu dùng để sản xuất thì lại bắt nguồn từ Trung Quốc. Nguyên nhân chính là do việc tìm những nguồn cung nguyên vật liệu ở trong nước hiện tại đang rất khó khăn, cũng như chi phí cao hơn nhiều so với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

"Ngay cả một số khóa kéo hay một số nguyên liệu thô chuyên dụng trong sản xuất gần như rất khó có thể thu mua trên thị trường. Đôi khi chúng tôi phải liên hệ đến các nhà máy trong tận thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, và thậm chí là cả Trung Quốc hay Đài Loan để có được các mẫu hàng. Do vậy chúng tôi mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm được nguyên liệu phù hợp", đó là chia sẻ của phó giám đốc nhà máy là bà Phi Ngọc Trinh với Channel News Asia.

Nganh det may truoc them TPP: Van loay hoay bai toan dau vao
Một công nhân đang làm việc tại nhà máy Hồ Gươm

Các số liệu thống kê cho biết các nhà máy dệt hiện nay chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu nguyên vật liệu của ngành may mặc.

Vì thế, trong nhiều năm qua đa phần các doanh nghiệp Việt Nam thường tập trung vào các khâu cần ít vốn trong ngành công nghiệp may mặc, như khâu cắt và may thành phẩm để xuất khẩu.

Chẳng có gì ngoài nhân công giá rẻ?

"Giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm là tương đối thấp, và vai trò của các nhà sản xuất Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang rất hạn chế. Thế giới không cần gì ở chúng ta ngoài nguồn nhân công giá rẻ", bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.

Hiện nay, cơ cấu dân số trẻ với gần 90 triệu dân vẫn đang là nguồn cung lao động giá rẻ dồi dào cho ngành dệt may. Tuy nhiên, nhiều người đã đặt câu hỏi rằng liệu Việt Nam còn có thể duy trì được ưu thế này trong bao lâu nữa.

Cách duy nhất để cải thiện sức mạnh của ngành dệt may Việt Nam là tìm kiếm một chỗ đứng cao hơn trong chuỗi giá trị, thông qua việc xây dựng một hệ thống cung cấp nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên bài toán vốn vẫn là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong nước.

Tuệ Nghi

Nguồn CNA


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới