Hủy
Kinh Doanh

Nuôi dê công nghệ cao

Tú Cẩm Thứ Năm | 01/10/2020 08:00

Ảnh: nld.com.vn

Cơ hội phát triển đàn dê sữa quy mô lớn tại Việt Nam.
 

Giống nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia..., tại Việt Nam vài năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều trang trại nuôi dê lấy sữa. Trong đó một số trang trại dê sữa ở Tây Nguyên, Cần Thơ, Tiền Giang và TP.HCM thu lợi nhuận khả quan nhờ khâu chế biến hiện đại và tiếp thị hiệu quả.

Nuôi dê ngoại lắm công phu

Quy mô chăn nuôi dê sữa lớn nhất hiện nay phải kể đến Trang trại dê sữa Măng Đen (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Chủ đầu tư trang trại này sau thời kỳ thành công rực rỡ nhờ khai thác sâm Ngọc Linh, loài sâm nổi tiếng quý hiếm của Kon Tum thì tiếp tục đầu tư lớn vào dê sữa.

Năm 2016, 700 con dê sữa giống đầu tiên được Công ty Cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen (doanh nghiệp chủ quản của Trang trại dê sữa Măng Đen) nhập về từ Úc. Một năm sau, Công ty nhập thêm đàn dê cũng vài trăm con từ Pháp, tất cả đều là giống dê sữa cao sản. Để đưa cả ngàn con dê ngoại về nước, Măng Đen phải dùng máy bay chuyên dụng. Nhờ đội ngũ kỹ thuật - y tế có đầy đủ kiến thức chuyên môn, các giống dê ngoại nhập nơi đây đã thích ứng nhanh với môi trường mới và nhân giống lên đến 8.000 con hiện nay. Chỉ sau 2 năm, trang trại không còn phải nhập khẩu dê mới.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Văn Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dê, thỏ (Viện Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết nuôi dê đòi hỏi môi trường phải sạch, dê ăn lá, cỏ rơm, đinh lăng, ba kích hay lá sâm... Dê ăn lá sạch, phân thải ra rất tốt cho cây sinh trưởng và phát triển. Sữa dê có hàm lượng dinh dưỡng, chất béo cao, là loại sữa phù hợp cho mọi người, nhất là với trẻ suy dinh dưỡng, người ốm đau.

Măng Đen (huyện Kon Plông) có điều kiện thời tiết, khí hậu phù hợp, lại là vùng đất phong phú, đa dạng các loại cây lá cỏ rất tốt cho dê. Với mong muốn nâng đàn dê lên khoảng 100.000 con, thời gian qua, ngoài việc chăm lo phát triển đàn dê ở trang trại, việc liên doanh, liên kết đang được Trang trại dê sữa Măng Đen đẩy nhanh nhằm tìm kiếm, mở rộng vùng nguyên liệu cho dự án.

Cụ thể, để chủ động nguồn thức ăn cho dê, trang trại đã đầu tư trồng hơn 100 ha cỏ, thu mua thức ăn cho dê ở trong và ngoài tỉnh. Những người nuôi dê nơi đây còn phối hợp liên kết, đầu tư cho người dân sống quanh vùng dự án để trồng cỏ, bắp hay các loại cây để làm thức ăn cho dê. Hiện đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trong huyện Kon Plông như Măng Bút, Đắk Tăng hay các xã Tân Lập, Đăk Tờ Lung (huyện Kon Rẫy) và các hộ dân ở Gia Lai đã bắt đầu trồng bắp lấy thân, lá làm thức ăn cho dê.

Với đàn dê 8.000 con, cho lượng sữa 3-4 lít/con/ngày, hiện tại, Trang trại dê sữa Măng Đen đã lắp ráp thiết bị vắt sữa hiện đại, khép kín, công nghệ của Đức để thay thế việc vắt sữa thủ công như những ngày đầu, hiệu quả không cao. Cùng với đó, các dòng sữa tươi cũng đã được chế biến, tạo ra những sản phẩm mới lạ, dinh dưỡng cao. Các sản phẩm như sữa thanh trùng 3 con dê, sữa chua... từ Măng Đen đã đến với một số điểm ở thị trường trong nước.

Sản lượng dê đang tăng nhanh

Thực tế, có một bộ phận người tiêu dùng trung lưu Việt Nam chuộng sữa dê bên cạnh sữa bò, do theo Đông y, sữa dê có công dụng làm đẹp. Tại Hội nghị Quốc tế Dê sữa Á - Úc lần thứ 4, diễn ra tại Ðại học Trà Vinh, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thu cho biết, hiện nay ở khu vực châu Á có khoảng 430 triệu con dê sữa, chiếm 65% số lượng dê sữa trên thế giới; chăn nuôi dê sữa đóng vai trò quan trọng về kinh tế - xã hội ở một số nước châu Á. Chăn nuôi dê có lợi thế nhờ tiêu thụ ít nước ngọt và chịu được khí hậu nóng, song vẫn có thể sản xuất sữa và thịt hiệu quả để đáp ứng nhu cầu con người.

So với nuôi bò, mô hình nuôi dê sữa có chi phí đầu tư thấp về con giống và chuồng trại, thức ăn rất đa dạng nên có thể tận dụng các phụ phẩm chuyển hóa thành sữa cung cấp cho con người. Dê có khoảng cách sinh sản ngắn và trưởng thành sớm giúp năng suất sinh sản có thể đạt được 2 lứa/năm với 6 dê con.

Theo nghiên cứu của Ðỗ Thị Thành Văn (Viện Nghiên cứu Ðộng vật thực nghiệm) và Nguyễn Văn Thu (Ðại học Cần Thơ), trong những năm gần đây, sản lượng dê ở Việt Nam đã phát triển rất nhanh khoảng 30%/năm với tổng đàn hơn 2,5 triệu con năm 2017. Bên cạnh đó, đàn dê sữa ước chiếm khoảng 2-5% tổng đàn dê; nhiều mô hình sản xuất dê sữa dựa trên hệ thống chăn nuôi được phát triển bởi các nhà sản xuất nhỏ với quy mô khoảng 150 con/trang trại.

 Một số trang trại dê sữa phát triển tốt và sản xuất có lãi ở Cần Thơ, Tiền Giang và TP.HCM; hay các dự án sản xuất sữa dê được tài trợ bởi Oxfam UK liên kết với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, mô hình nuôi dê sữa hiệu quả góp phần giảm nghèo và mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Theo đó, chăn nuôi dê sữa trở nên phổ biến hơn với hầu hết các địa phương và kết quả là tiêu thụ thịt dê sữa và sữa dê cũng tăng lên.



Tại Ninh Bình, Công ty Giống vật nuôi và Cây trồng Ðồng Giao đã triển khai dự án chọn tạo giống, khai thác và chế biến dê sữa, dê thịt quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Yên Sơn, thành phố Tam Ðiệp. Ngoài ra, nhiều người nuôi nhỏ lẻ đã chú ý hơn đến việc tăng cường đầu tư về trang trại, nâng cao kỹ thuật, thành lập hợp tác xã, trang trại và câu lạc bộ sản xuất dê sữa... Cùng với đó, bắt đầu đã có sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp để tạo cơ hội đầu tư công nghệ, tài chính, nguồn lực nhằm tạo sản phẩm sữa dê chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn một số hạn chế cho phát triển dê sữa như chất lượng giống thấp, thiếu trang trại lớn và kế hoạch chế biến sữa, nghiên cứu cần thiết hạn chế, tiếp thị kém và hợp tác quốc tế còn ít
.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới