Hủy
Kinh Doanh

PMI tháng 7 đạt 47,6 điểm

Sơn Mai Thứ Hai | 03/08/2020 13:44

Ảnh: Quý Hòa

Đại dịch COVID-19 khiến Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng trong tháng 7 vừa qua giảm xuống còn 47,6 điểm, các điều kiện kinh doanh suy giảm.
 

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index - PMI) của Việt Nam giảm trở lại xuống dưới ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng 7 khi đạt 47,6 điểm so với 51,1 điểm của tháng 6. Các điều kiện kinh doanh đã suy giảm suốt 5 trong 6 tháng qua.

Trong tháng 6, PMI của Việt Nam đã tăng 8,4 điểm so với tháng 5. Đây là lần tăng thứ 2 trong năm của PMI sau nhiều tháng giảm vì chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy.

Trở lại dữ liệu tháng 7 cho thấy, sản lượng ngành sản xuất giảm nhẹ sau khi có sự tăng trưởng trở lại trong tháng trước. Tuy nhiên, mức độ giảm nhẹ hơn nhiều so với giai đoạn suy thoái tồi tệ vừa qua.

 

Đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động, khi số lượng đơn đặt hàng mới được báo cáo giảm. Cả lĩnh vực sản xuất hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản đều giảm sản lượng, trong khi lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng có sản lượng tăng.

Cũng như sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới giảm sau khi tăng trong tháng 6. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm do số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh, và lý do được cho là những hạn chế đi lại và nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu giảm vì đại dịch COVID-19.

Với số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các công ty có thể giảm lượng công việc tồn đọng trong tháng 7. Lượng công việc chưa thực hiện giảm 6 tháng liên tiếp, với mức độ cao hơn so với thời kỳ khảo sát trước.

Khối lượng công việc giảm được cho là lý do dẫn đến việc làm tiếp tục giảm, và một số công nhân được cho là đã quyết định nghỉ việc để tìm các cơ hội việc làm khác. Việc làm tiếp tục giảm mạnh ở cả 3 lĩnh vực thị trường khảo sát.

Ảnh: TL
Ảnh: TL.

Với tình trạng giảm việc làm, các nhà sản xuất đã giảm hoạt động mua hàng, tồn kho hàng hóa đầu vào và tồn kho hàng thành phẩm vào đầu quý III. Trong tất cả trường hợp, tình trạng giảm diễn ra trong tháng 7 sau khi tăng trong tháng 6 được cho là do số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài trong suốt 8 tháng. Khó khăn trong việc nhận hàng từ Trung Quốc và những vấn đề của vận tải đường biển được cho là lý do dẫn đến kéo dài thời gian giao hàng gần đây.

Tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu góp phần làm tăng chi phí đầu vào tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 7. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá vẫn chậm. Trong khi đó, giá đầu ra giảm tháng thứ 6 liên tiếp. Mức giảm gần đây nhất là nhẹ nhưng vẫn mạnh hơn so với tháng 6. Giảm giá bán hàng do áp lực cạnh tranh.

Mặc dù sản lượng giảm trong tháng 7, các công ty vẫn lạc quan về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới. Tâm lý kinh doanh chỉ giảm nhẹ so với tháng trước. Kỳ vọng cải thiện nhu cầu thị trường và số lượng đơn đặt hàng mới dẫn đến tâm lý lạc quan về sản lượng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới