Hủy
Kinh Doanh

Quý III màu xám

Lam Hồng Thứ Hai | 16/08/2021 08:00

Dịch bệnh khiến các hoạt động kinh doanh, sản xuất bị đình trệ. Ảnh: Quý Hòa.

Kinh tế có thể ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm, do đây là quý phản ánh mọi tác động tiêu cực của đại dịch.
 

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng sau vài tuần áp dụng, “3 tại chỗ” hay “2 địa điểm, 1 cung đường” vẫn là giải pháp lý thuyết với ngành dệt may. Do không chịu được môi trường này; không ít lao động đã bỏ nhà máy, có nhiều doanh nghiệp số công nhân tham gia chỉ có 10-20%. Trong bối cảnh này, nhiều đối tác nước ngoài đã rút đơn hàng chuyển sang nước thứ 3.

“Để duy trì được sản xuất trong bối cảnh đại dịch lan rộng hiện nay, chi phí của doanh nghiệp đội lên rất lớn. Nhiều doanh nghiệp kiệt sức cả về nhân lực lẫn vật lực”, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang chia sẻ.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc trang bị các điều kiện phòng dịch khiến chi phí của doanh nghiệp đội thêm 50-100%. Doanh nghiệp còn phải chi trả thêm 30-50% lương làm ngoài giờ của công nhân ở lại nhà máy làm việc; các khoản lương chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc. “Khó khăn về cước tàu tăng, phí lưu kho, lưu bãi tăng, phí ngân hàng tăng, các chi phí trong công ty tăng. 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi đối diện với lỗ, chỉ là cố gắng để duy trì sản xuất”, bà Sắc cho biết.

Tình cảnh trên cho thấy doanh nghiệp và nền kinh tế “ngấm đòn nặng” từ đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Tình trạng lây lan phức tạp của dịch bệnh trong cuối quý II/2021 và đầu quý III/2021 đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, tình hình dịch bùng phát trở lại trong giữa và cuối quý II đã tiếp tục làm gián đoạn quá trình sản xuất của các doanh nghiệp tại nhiều địa phương. Tình hình này được định lượng bằng con số: trong 6 tháng đầu năm nay, có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong quý III, Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp DC Top-60 từ 53% về 45%. Dragon Capital cho rằng việc áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong tháng 7.

Mức độ di chuyển của dân cư giảm tới 80% so với bình thường, dẫn đến doanh số bán lẻ giảm gần 20% so với cùng kỳ, tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận mức giảm 2 con số. Đối với lĩnh vực sản xuất, do hoạt động tại các khu công nghiệp bị đình trệ, sản lượng chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và 2,2% so với cùng kỳ.

 

Trong khi đó, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 tiếp tục dưới ngưỡng 50, đạt mức 45,1 so với 44,1 của tháng 6. Chuỗi cung ứng và sản xuất tắc nghẽn có thể kìm hãm thương mại khi xuất khẩu chỉ tăng 8,4% so với cùng kỳ, nhưng nhập khẩu vẫn duy trì ở mức cao, tăng gần 30%, dẫn đến thâm hụt thương mại gia tăng, đạt 2,7 tỉ USD.

Dragon Capital dự báo quý III này, Việt Nam có thể ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm, do đây là quý phản ánh gần như mọi tác động tiêu cực của đại dịch. Bên cạnh đó, dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể ở mức 3,7%.

Các doanh nghiệp tại TP.HCM đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ dịch bệnh. Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), thời gian qua, dịch bệnh đã làm trên 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đa số doanh nghiệp khác đều giảm từ 50-90% doanh thu so với thời điểm trước dịch bệnh”.

Trước khó khăn chồng chất, bên cạnh các giải pháp mà Chính phủ, các bộ ngành đã và đang triển khai, doanh nghiệp kiến nghị cần thêm những gói hỗ trợ “đúng và trúng” để vượt qua giai đoạn này. Bộ Tài chính đang xây dựng một số giải pháp như giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021... khoảng 20.000 tỉ đồng. Các ngân hàng cũng cam kết giảm lãi suất hơn 24.000 tỉ đồng.

 

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho biết: “Sức khỏe của doanh nghiệp đang dần yếu đi”. Trong bối cảnh cấp bách này, quan trọng nhất là tốc độ thực thi các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, cần thông thoáng hơn về thủ tục, nới lỏng hơn về điều kiện. 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới