Hủy
Kinh Doanh

Reuters: Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ về kinh doanh cà phê

Thứ Bảy | 10/11/2012 21:46

Tại một cửa hàng Starbucks tại Thụy Sĩ, Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết: "Người Mỹ không cần một sản phẩm khác, cái họ cần là một câu chuyện khác".
 

Thưởng thức đồ uống tại cửa hàng đông khách này, Chủ tịch công ty Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ, mô hình chuỗi cửa hàng Starbucks chính là một hình mẫu marketing cho cà phê Việt Nam. Mô hình này không chỉ giúp đưa hạt cà phê Việt Nam ra khắp thế giới mà còn kèm theo cả phương thức pha chế, lợi nhuận theo đó được tăng lên theo cấp số nhân.

"Tham vọng của chúng tôi là trở thành một thương hiệu toàn cầu" - ông Vũ chia sẻ.

"Starbucks rất giỏi trong việc gieo một câu chuyện vào tâm trí khách hàng nhưng nếu chúng ta nhìn vào những yếu tố cốt lõi của Starbucks, những gì họ đang làm thật tệ hại. Họ không bán cà phê mà đang bán thứ nước mang mùi vị cà phê pha với đường", ông nói.

Trung Nguyên hiện đang sở hữu chuỗi quán cà phê lớn nhất tại Việt Nam và ông Vũ đang sẵn sàng để mở rộng nó ra thị trường phương Tây.

"Người Mỹ không cần một sản phẩm khác, cái họ cần là một câu chuyện khác", ông nhận định.

Phóng viên Emma Thomson phỏng vấn ông Đặng Lê Nguyên Vũ ở Thụy Sĩ Ảnh: Điệp Giang
Phóng viên hãng tin Reuters phỏng vấn ông Đặng Lê Nguyên Vũ ở Thụy Sĩ Ảnh: Điệp Giang

Ông cũng cho biết, Trung Nguyên đang hướng đến việc cải thiện đời sống của người dân ở các vùng trồng cà phê trên cao nguyên, việc mà các đối thủ lớn của Trung Nguyên đều chưa làm được. Cà phê mà hãng sử dụng cũng được mua từ các hộ nông dân nhỏ trồng cà phê có chứng chỉ thực hành canh tác bền vững với mức giá ưu đãi. Theo ông Vũ, đây mới thực sự là "sáng tạo có trách nhiệm vì sự hài hòa và phát triển bền vững".

Việt Nam là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Tuy nhiên, do chủ yếu xuất nguyên liệu thô, lợi nhuận mà Việt Nam thu được chỉ là một phần nhỏ. Mọi hoạt động chế biến, đóng góp và tiếp thị cà phê đều được thực hiện ở nước ngoài.

Ông Vũ cho biết, Việt Nam hiện xuất 90% hạt cà phê thô không có nhãn hiệu, và việc này cần phải được thay đổi.

Theo ông Vũ, với tiềm năng hiện tại của ngành cà phê, Việt Nam có thể thu về 20 tỷ USD từ cà phê trong vòng 15 năm tới, cao hơn nhiều so với con số chưa đến 3 tỷ USD hiện nay. Để đạt được điều này, Việt Nam cần tăng sản lượng và tăng thêm giá trị cho cà phê xuất khẩu bằng việc đảm nhiệm các hoạt động như rang, trộn, đóng gói.

Mục tiêu của Trung Nguyên là có thể tăng gấp 4 lần doanh thu lên 1 tỷ USD vào năm 2015, từ doanh thu năm 250 triệu USD năm ngoái, và có thể cạnh tranh với các thương hiệu cà phê nổi tiếng toàn cầu như Nescafe của Nestle và Starbucks.

Ông thừa nhận Nestle đang dẫn trước Trung Nguyên rất xa về công nghệ cũng như việc tiếp thị: "Chúng tôi giống như một con châu chấu nhỏ bé chiến đấu với một con voi khổng lồ".

Tuy nhiên, ông tự tin cho rằng những chiến lược của Trung Nguyên "thông minh hơn và trọng tâm hơn". Cụ thể, tại thị trường Việt Nam chiến lược này đã giúp thương hiệu G7 của Trung Nguyên chiến thắng Nescafe và Vinacafe, trở thành thương hiệu được ưa chuộng hàng đầu.

Trung Nguyên hiện đã xuất khẩu ra 60 nước và có kế hoạch tấn công thị trường Mỹ vào năm tới. Trung Nguyên cũng hi vọng sẽ tận dụng được cơ hội khi người dân các nước châu Á truyền thống sử dụng trà có xu hướng chuyển dần sang cà phê.

Nguồn Reuters/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới