Hủy
Kinh Doanh

Sẽ có thêm hơn 10 ngân hàng tham gia sáp nhập

Thứ Năm | 24/04/2014 09:23

Sức ép sáp nhập, hợp nhất của các ngân hàng ngày càng tăng, khi tới đây, rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng quy định vốn điều lệ.
 

Thực tế, những trường hợp ngân hàng đã và đang bị sáp nhập vừa qua, như Southernbank, MDB, Westerbank, Habubank… đều chỉ có vốn điều lệ 3.000-4.000 tỷ đồng. Hiện trên thị trường còn 12 ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Sức ép sáp nhập, hợp nhất để tồn tại với các ngân hàng này ngày càng tăng, khi tới đây, rất có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nâng quy định về vốn điều lệ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia kinh tế nhận định, không loại trừ khả năng một khi đã "dọn dẹp" cơ bản các ngân hàng yếu kém, NHNN sẽ nâng quy định về vốn điều lệ.

"Trước đây, NHNN đã từng xây dựng dự thảo nghị định về việc ban hành danh mục mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng. Theo đó, năm 2015, vốn điều lệ của ngân hàng bị nâng lên 10.000 tỷ đồng. Do khủng hoảng kinh tế diễn ra, dự định này đã bị dừng lại. Song chắc chắn, thời gian tới, NHNN sẽ phải nâng quy định về vốn điều lệ. Khi đó, ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng nếu không sáp nhập, sẽ phải đóng cửa", chuyên gia trên nói.

Chính Thống đốc NHNN cũng khẳng định, với quy mô nền kinh tế hiện nay, Việt Nam chỉ cần 14-17 ngân hàng là đủ. Tất nhiên, lộ trình giảm số lượng ngân hàng không diễn ra đột ngột, song đây cũng là hồi chuông cảnh báo của các ngân hàng nhỏ.

"Tôi cảnh báo đến các ngân hàng nhỏ rằng, rất khó hoạt động trong thời gian này, vì khả năng cạnh tranh gần như không còn. Hơn lúc nào hết, vì lợi ích cá nhân và cộng đồng, các ngân hàng nên ngồi lại với nhau để bàn việc hợp nhất, sáp nhập", Thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Ngoài xu hướng sáp nhập các ngân hàng nhỏ, theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thời gian tới, sẽ còn rất nhiều trường hợp sáp nhập diễn ra để "gom" sở hữu chéo, thoái vốn, hoặc hỗ trợ tái cơ cấu. Ngoài ra, không loại trừ các ngân hàng tầm trung cũng sáp nhập với nhau để hình thành những tập đoàn ngân hàng lớn mạnh.

Cũng theo chuyên gia trên, việc NHNN thúc đẩy sáp nhập, hợp nhất ngân hàng thời gian qua đã giúp hệ thống loại bỏ được các ngân hàng yếu kém, mà không tốn ngân sách, đây là việc làm rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, cũng theo ông Hiếu, NHNN nên lựa chọn những mô hình sáp nhập, hợp nhất hiệu quả nhất để thúc đẩy.

Dù làn sóng sáp nhập ngân hàng đang được các ngân hàng hăng hái tham gia và được NHNN khuyến khích, song bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cảnh báo: "Nếu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà chỉ là sáp nhập, mua bán giữa các ngân hàng với nhau thôi, thì không đủ. Một nhà băng yếu được sáp nhập vào ngân hàng lớn hơn, thì không thể khỏe lên, ngược lại nó lại khiến ngân hàng khỏe yếu đi".

Bà Kwakwa cũng khuyến nghị, nếu ngân hàng nào quá yếu kém, thì NHNN xem xét cho phá sản thay vì sáp nhập.

Nguồn Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới