Hủy
Kinh Doanh

Thủ tướng: Tăng bội chi ngân sách một phần để trả nợ

Thứ Năm | 21/11/2013 16:10

Thủ tướng cho biết, áp lực trả nợ thời gian tới rất lớn. Cùng việc bố trí ngân sách, cần phát hành trái phiếu mới trả nợ gốc trái phiếu đến hạn.
 

Chiều nay 21/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu trước Quốc hội và tham gia trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Sau khi cập nhật tình hình kinh tế tháng 10 và tháng 11/2013, Thủ tướng cho biết, kế hoạch điều hành kinh tế 2014 là sẽ khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp để đảm bảo thực hiện nghị quyết đã đề ra.

Thứ nhất về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý: Chính phủ sẽ điều hành hợp lý tình hình kinh tế xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trước mắt và trung hạn.

Về tăng bội chi ngân sách và phát hành trái phiếu: Quốc hội đã đồng ý bội chi ngân sách năm 2014 là 5,3% GDP và phát hành thêm 170.000 trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 – 2016. Tăng bội chi ngân sách một phần là để trả nợ, phần còn lại tập trung đầu tư các dự án hạ tầng KTXH thiết yếu, hoàn thành các dự án kinh tế đang dở dang, đầu tư nông nghiệp nông thôn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải kéo dài, xử lý nợ đọng cơ bản, xử lý nợ xấu, tăng giải ngân vốn ODA…đảm bảo tổng vốn đầu tư xã bằng 30 – 31% GDP, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng năng lực sản xuất, thực hiện đột phá trong xây dựng hạ tầng.

TPCP sẽ được phát hành phù hợp theo tiến độ giải ngân các dự án và tình hình kinh tế vĩ mô. Việc thực hiện ngân sách được quản lý chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả, chính sách tiền tệ, nhất là kiểm soát tăng trưởng tín dụng, không làm tăng quá mức tổng cầu.

Với bội chi và phát hành trái phiếu như trên, nợ công 2014, 2015, 2016 vẫn trong giới hạn an toàn, không quá 65% GDP. Tuy nhiên áp lực trả nợ rất lớn, cùng với việc bố trí ngân sách để trả nợ, cần phát hành mới để trả nợ đối với nợ gốc trái phiếu đến hạn, đảm bảo duy trì thanh khoản, đảm bảo các chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của chính phủ ở mức 15,2%; năm 2015 khoảng 20,4%; 2016 khoảng 22,9% tổng thu ngân sách nhà nước, tất cả đều nằm trong giới hạn là không quá 25% tổng thu ngân sách theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Thủ tướng một lần nữa khẳng định, nợ công của nước ta vẫn trong giới hạn an toàn. WB và các tổ chức quốc tế đều đánh giá nợ công Việt Nam an toàn và ổn định. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các biện pháp, nhất là quản lý tốt nguồn vốn vay, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro, đảm bảo xử lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Về xử lý nợ xấu, đã tập trung nhiều biện pháp, đã đạt được kết quả bước đầu. Hiện đã xử lý trên 101.000 tỷ nợ xấu bằng dự phòng rủi ro; VAMC dự kiến hết 2013 mua khoảng 30 – 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu; tốc độ tăng nợ xấu chậm lại, tình hình thanh khoản của TCTD được cải thiện, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cao hơn nhiều so với quy định. Tuy nhiên nợ xấu còn cao, cuối tháng 9 là 4,62% trên tổng dư nợ, việc xử lý nợ xấu còn khó khăn, cơ chế xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc, thị trường BĐS, chứng khoán khó khăn nên khó xử lý tài sản đảm bảo.

Thời gian tới chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý nợ xấu, nhất là xử lý tài sản đảm bảo, cơ cấu nợ, hạn chế nợ xấu tăng, tăng thanh tra, kiểm tra đảm bảo công khai minh bạch hoạt động tín dụng, đồng thời phát huy vai trò của VAMC, năm 2014 xử lý khoảng 100 – 150 nghìn tỷ nợ xấu. Phấn đấu hết 2015 xử lý được số nợ xấu hiệu nay, đưa hệ thống hoạt động an toàn.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt có hiệu quả các giải pháp nêu trên, mục tiêu tăng GDP 5,8% năm 2014, 6% năm 2015 và kiểm soát lạm phát khoảng 7% là khả thi. Đồng thời giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo nợ công an toàn…

Thành Hưng

Nguồn Tri Thức Trẻ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới