Hủy
Kinh Doanh

Tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam vẫn đang ở mức an toàn

Nhật Anh Thứ Hai | 30/09/2024 23:03

DSC cho rằng công tác giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay đã có những chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh: TL.

 
 
Điều này cho thấy dư địa điều hành chính sách tài khóa trong tương lai còn lớn.

Trong năm 2023, nhu cầu từ thị trường toàn cầu được đánh giá ở mức yếu và dự báo tình trạng này có thể sẽ kéo dài đến cuối năm 2024 do tăng trưởng kinh tế chậm lại cùng tình trạng lạm phát cao. 

Trong bối cảnh đó, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng một quốc gia có xuất khẩu đóng góp tỉ trọng cao trong GDP như Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh triển khai các chính sách tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy tổng cầu nội địa, đặc biệt là khi các chính sách tiền tệ đã không còn nhiều dư địa.

Trong cơ cấu chi ngân sách Nhà nước năm 2023, Chính phủ đã ưu tiên dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển (bao gồm Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2023) với số vốn lên tới 727.000 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 35% tổng chi ngân sách Nhà nước và là tỉ lệ lớn nhất từ trước đến giờ. Điều này cho thấy định hướng đẩy mạnh công tác đầu tư công trong kế hoạch ngay từ đầu năm của Chính phủ.

Nguồn: DSC.
Nguồn: DSC.

Theo Bộ tài chính, nợ công tính đến cuối năm 2023 ước tính khoảng 4 triệu tỉ đồng, tương đương với khoảng 39-40% GDP, tăng nhẹ so với năm 2022 tuy nhiên đã giảm mạnh từ mức 58,3% vào năm 2018. 

“Chúng tôi cho rằng tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam vẫn đang ở mức an toàn nếu so với mức trần nợ công là 60% GDP mà Quốc hội đã đề ra đến năm 2030 hay so sánh với 1 số các quốc gia trong khu vực như Philippines (57%), Thái Lan (61%) hay Malaysia (67%), từ đó cho thấy dư địa tài khóa còn rất dồi dào để thực hiện linh hoạt các chính sách tài khóa nhằm dẫn dắt và tạo động lực cho nền kinh tế trong thời gian tới”, DSC nhận định. 

 

Với số vốn đầu tư công được giao trong năm 2023 lên tới hơn 708.000 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, áp lực giải ngân xuyên suốt cả năm là rất lớn, tuy nhiên DSC cho rằng công tác giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay đã có những chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2023, tổng số vốn đã giải ngân ước đạt 579.848,8 tỉ đồng, đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Xét riêng đối với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 ghi nhận sự phân hóa rõ rệt. Trong khi Hải Phòng vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu với tỉ lệ giải ngân vượt kế hoạch (131%) thì ở phía ngược lại, TP.HCM tuy đã có những chuyển biến tích cực so với đầu năm nhưng tỉ lệ giải ngân chỉ ở mức 58%.

Đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và có nhiệm vụ đáp ứng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, trong năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã được Chính phủ giao lượng vốn lên tới hơn 94 nghìn tỉ đồng, gấp 1,7 lần so với số vốn của năm 2022. Mặc dù lượng vốn được giao rất lớn, tính tới cuối năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải vẫn duy trì tốc độ giải ngân tốt, đạt hơn 86% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. 

DSC kỳ vọng tỉ lệ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải trong năm 2023 (tính tới hết 31/1/2024) sẽ đạt mức 95% theo kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra. 

Có thể bạn quan tâm 

Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 87,08%


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới