Hủy
Kinh Doanh

Trợ lực M&A của ngành dược

Trực Thanh Thứ Năm | 14/12/2023 07:30

Lợi nhuận đang tạo ra sức hút đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành dược của Việt Nam trong thời gian gần đây. Ảnh: Quý Hòa

Nhà đầu tư nước ngoài đẩy nhanh tốc độ M&A doanh nghiệp dược của Việt Nam.
 

Năm 2020, SK Group (Hàn Quốc) rót vốn vào Imexpharm và đến năm 2022 hoàn tất thâu tóm công ty dược phẩm Việt Nam sau khi nâng sở hữu lên 55%. Ước tính SK Group đã chi tối thiểu 1.700 tỉ đồng để thâu tóm Imexpharm và đang có lãi với khoản đầu tư này cùng với sự đi lên của hoạt động kinh doanh cũng như giá cổ phiếu.

Khoản lợi nhuận hấp dẫn 

Imexpharm vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023. Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 467 tỉ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 181 tỉ đồng, tăng hơn 5,2%. Dự kiến doanh thu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 2.000 tỉ đồng, với tăng trưởng doanh thu là 24% và tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 36%.

“Chúng tôi cho rằng sự đầu tư của Tập đoàn SK vào Imexpharm là một tín hiệu tích cực cho thấy sự hấp dẫn của thị trường dược phẩm Việt Nam và cũng như ghi nhận năng lực và tiềm năng của Imexpharm”, Dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Imexpharm, cho biết. Tình hình kinh doanh thuận lợi của Imexpharm sau khi có sự xuất hiện của cổ đông ngoại cho thấy một cuộc đua mới của ngành dược phẩm tại Việt Nam.

Theo đó, hầu hết doanh nghiệp dược hàng đầu đều có cổ đông chiến lược ngoại như Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP), Pymepharco (PME)... Thậm chí, doanh nghiệp ngoại đã nắm quyền chi phối trên 51% như Tập đoàn Taisho Pharmaceutical (Nhật) liên tục tăng sở hữu tại Dược Hậu Giang và chính thức hoàn tất thâu tóm Công ty với khoản đầu tư 7.000 tỉ đồng. Sau 3 năm, cổ đông Nhật đã lãi lớn với khoản đầu tư này khi số cổ phiếu DHG đang nắm giữ có giá trị thị trường gần 8.300 tỉ đồng, chưa kể đến các khoản cổ tức cao của Dược Hậu Giang.

 

Lợi nhuận đang tạo ra sức hút đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành dược của Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo Fitch Solutions, dự báo doanh thu ngành dược phẩm Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đặn với CAGR khoảng 6,72% trong giai đoạn 2022-2026 nhờ tăng trưởng chi tiêu cho sức khỏe của người dân. Quy mô của ngành dược Việt Nam có thể đạt 16,1 tỉ USD vào năm 2026. Với quy mô thị trường 100 triệu dân, Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng thu hút đầu tư, nâng cấp ngành công nghiệp dược trong nước để giảm sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhập khẩu.

Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực... cũng là động lực thúc đẩy xu hướng M&A của nhiều tập đoàn nước ngoài với các doanh nghiệp nội.

 

Đáng chú ý, báo cáo của KPMG đánh giá, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của khu vực với khả năng xuất khẩu dược phẩm sang các nước trong khu vực ASEAN. Theo đó, chiến lược cạnh tranh mà doanh nghiệp dược dự kiến tập trung trong giai đoạn tiếp theo là nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới, đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới nghiên cứu thuốc phát minh.

Tăng tốc cuộc đua về vốn và công nghệ

Điều này càng đòi hỏi cuộc chạy đua về vốn, công nghệ, quản trị với lực đẩy là các thương vụ bắt tay với đối tác nước ngoài. Bởi vì theo thống kê, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có 228 nhà máy dược phẩm của 197 công ty đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). Tuy nhiên, tỉ lệ các nhà máy đạt GMP tiên tiến (advanced GMP) còn thấp (khoảng 5%)...  dẫn đến nhiều hạn chế về năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D). Do đó, doanh nghiệp dược trong nước chỉ tập trung sản xuất thuốc generic, chưa khai thác hết công suất sản xuất, chưa nghiên cứu sản xuất thuốc hết hạn phát minh.

Đáng chú ý hơn là 90% nguyên liệu sản xuất dược phẩm trong nước phải nhập khẩu. Vì thế, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, số lượng thuốc của Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài rất ít, trong đó đa số là sản phẩm do nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Trong khi đó, phân khúc thuốc generic ngày càng cạnh tranh khốc liệt, dẫn tới tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kém hiệu quả.

 

Gần đây, cuộc đua đạt được các tiêu chuẩn EU-GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn châu Âu) trở nên quyết liệt hơn vì quyết định tiềm lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong dài hạn. Chẳng hạn, sau nhiều khoản đầu tư lớn, với 3 cụm nhà máy đạt chuẩn EU-GMP, Imexpharm đặt mục tiêu trở thành một trong những công ty dược phẩm sản xuất kháng sinh số 1 Việt Nam. Ban Lãnh đạo Imexpharm đặt kế hoạch tăng trưởng kép CAGR 16,3%/năm đối với doanh thu và lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2023-2027, với mục tiêu doanh thu năm 2027 đạt 3.200 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 640 tỉ đồng. Theo Tổng giám đốc Imexpharm, hiện công ty này có 12 số đăng ký cho 7 sản phẩm được phép phân phối và lưu hành tại châu Âu theo tiêu chuẩn EU GMP. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang ở trong quá trình xin cấp phép cho một số sản phẩm khác.

Hay với sự đầu tư của Tập đoàn STADA (Đức), hiện nay cả 2 nhà máy của STADA Pymepharco đều đạt chuẩn EU-GMP, tiêu chuẩn cao nhất trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm với năng lực sản xuất hơn 4 tỉ đơn vị mỗi năm. Adamed Pharma (Ba Lan) tiếp tục gây chú ý khi công bố mua lại số cổ phần còn lại của Davipharm vào cuối tháng 4/2023, qua đó chính thức thâu tóm 100% và trở thành cổ đông duy nhất của doanh nghiệp này. “Tôi tin Davipharm sẽ trở thành một trong những nhà sản xuất thuốc lớn nhất Việt Nam, cung cấp thuốc chất lượng cao với giá cả phải chăng cho bệnh nhân”, Tiến sĩ - Bác sĩ Małgorzata Adamkiewicz, Chủ tịch Ban Kiểm soát của Adamed Pharma, cho biết.

Đáng chú ý hơn là 90% nguyên liệu sản xuất dược phẩm trong nước phải nhập khẩu. Ảnh: Quý Hòa
Đáng chú ý hơn là 90% nguyên liệu sản xuất dược phẩm trong nước phải nhập khẩu. Ảnh: Quý Hòa

Các khoản đầu tư công nghệ và quản trị của nhà đầu tư nước ngoài giúp sản phẩm của các doanh nghiệp dược tham gia sâu hơn trong lĩnh vực đấu thầu thuốc của bệnh viện, sở y tế và tăng tỉ suất lợi nhuận. Cuộc đua này ngày càng ráo riết hơn khi Bộ Y tế chủ trương ưu tiên sử dụng thuốc nội địa nhằm tiết kiệm cho Quỹ Bảo hiểm xã hội. Bởi vì, thị trường dược phẩm đang ghi nhận sự chênh lệch lớn về tổng giá trị trúng thầu của thuốc ngoại trên kênh ETC (chiếm tới 75%, tương đương 20.500 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2023), đe dọa thị phần của thuốc nội địa.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới