Hủy
Kinh Doanh

Trung Quốc, châu Phi 'dòm ngó' nông nghiệp Việt tại APEC

Thứ Tư | 08/11/2017 15:52

VnExpress

Các doanh nghiệp Trung Quốc và châu Phi bày tỏ quan tâm đặc biệt đến nông nghiệp Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh diễn ra tại APEC.
 

Đích thân lãnh đạo một số tỉnh thành có thế mạnh về nông nghiệp như Hà Nam, Đắk Lắk, Cần Thơ đã có phiên giới thiệu triển vọng đầu tư vào nông nghiệp địa phương trước hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước tại phiên thảo luận  ‘Nông nghiệp bền vững’ của Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, thuộc khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC chiều 7/11.

Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết địa phương đang có gần 50.000 ha đất nông nghiệp. Trong đó, gần 40% là đất đỏ bazan phù hợp với các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, rau củ quả và dược liệu. Hiện nay, tỉnh này đang ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng rau an toàn, hoa quả, dược liệu, phát triển gia súc gia cầm…

“Tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực chủ yếu như sản xuất nông nghiệp, nhất là ứng dụng công nghệ sinh học cũng như các công nghệ khác để tạo ra giá trị gia tăng cao, sản xuất giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao, chăn nuôi, thủy sản; phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn với nhu cầu thị trường và dựa trên các vùng nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn.”, ông Nghị cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Đông – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho hay, chủ trương tập trung tích tụ ruộng đất đang được nông dân đồng thuận. Các hộ dân tham gia chuỗi liên kết có thu nhập cao 3 – 5 lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.

“Tỉnh mong muốn có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp trong khối APEC đầu tư vào Việt Nam nói chung, Hà Nam nói riêng, đặc biệt là khảo sát, tìm hiểu, đầu tư liên kết phát triển nông nghiệp theo chuỗi”, vị lãnh đạo kêu gọi và cho biết 3 nhóm dự án đang được mời gọi là trồng và chế biến rau củ sạch, khu chăn nuôi tập trung khép kín, hạ tầng khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

Trong khi đó, Thành phố Cần Thơ khẳng định đang định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu. Chủ tịch Võ Thành Thống liệt kê 4 dự án đang mời gọi đầu tư, bao gồm 3 dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một dự án vùng công nghiệp sản xuất giống cá tra tập trung với tổng diện tích 464 hécta.

Những triển vọng hấp dẫn của các tỉnh thành lập tức thu hút sực quan tâm của đại biểu tại hội trường. Một doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chóng đặt vấn đề liên hệ để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong khi đó, đại diện Đại sứ quán Nigeria tại Việt Nam cho biết rất mong muốn các doanh Việt Nam sang châu Phi nói chung và quốc gia này nói riêng để đầu tư nông nghiệp.

“Chúng tôi xem đây là một lời mời rất chân tình và rất nhiều triển vọng. Chúng tôi sẽ tìm kiếm những dự án để thực hiện tại châu Phi thành công. Chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn tìm cơ hội hợp tác để phát triển những nông sản có thế mạnh của cả hai bên”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh đáp lại đề nghị.

Dù có nhiều tiềm năng và thành tựu nhưng ông Lê Quốc Doanh cũng cảnh báo hàng loạt thách thức lớn cho ngành nông nghiệp trong nước.

“Biến đổi khí hậu đến nhanh và mạnh hơn so với dự báo. Thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mức độ ảnh hưởng lớn với nông nghiệp và người dân. Hội nhập quốc tế sâu rộng đem lại nhiều áp lực cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế. Thu hút đầu tư từ các nhanh và khu vực còn hạn chế”, ông nói.

Bà Dương Thị Mai Hoa – Tổng giám đốc Tập đoàn VinGroup cho biết, Việt Nam hiện có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Muốn phát triển lại nông nghiệp thành công phải cơ cấu lại nền nông nghiệp. Là một trong các giải pháp là đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến tới áp dụng nông nghiệp thông minh.

“Nông nghiệp 4.0 sẽ mở cửa cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp. Trong đó, các thành tựu khoa học tiên tiến sẽ được áp dụng như quản lý giám sát bằng vệ tinh, điều khiển bằng thiết bị di động, robot tự động, hệ thống tưới thông minh, internet vạn vật.... Chúng ta hoàn toàn có thể đi nhanh, đón đầu, nhảy vọt qua, không nhất thiết phải đi tuần tự qua 2.0 hay 3.0 mà tùy theo từng doanh nghiệp lựa chọn áp dụng từng bước giải pháp mô hình cho mình”, bà Hoa nhận định.

Nguồn VnExpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới