Trung Quốc giảm mua sắn: Các nhà sản xuất đứng giữa ngã ba đường
thanhnien.vn
Số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 4.2019 tiếp tục ảm đạm, chỉ đạt 252 nghìn tấn tương đương với 100 triệu USD.
Trong bối cảnh thị trường nhập khẩu chính sụt giảm, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn 4 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 931 nghìn tấn, tương ứng với 356 triệu USD, giảm 14,1% về khối lượng và giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Lượng và giá trị cùng giảm
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn liên tiếp giảm khối lượng và giá trị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận, tháng 3.2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cũng đã giảm 6,92% về lượng và 4,89% về giá trị.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn lớn nhất của Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm 2019, chiếm tới 88,7%, sau đó mới đến Hàn Quốc và Philippin lần lượt là 2,0% và 1,9%. Nếu so với cùng kì năm 2018, thị trường Trung Quốc giảm 26,8% về lượng và 12,4% về giá trị.
Theo quan sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam ảm đảm do nhu cầu của thị trường Trung Quốc yếu.
Trên thực tế, các nhà máy của nước này giảm mua hàng từ Việt Nam bởi xuất khẩu các sản phẩm sắn của Trung Quốc sang thị trường Châu Âu không tốt, nhiều nhà máy nghỉ vụ sản xuất do bị kiểm tra môi trường.
Trong khi đó, Quốc hội và Chính phủ Trung Quốc đang thống nhất các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế. Đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức thấp thông qua đấu giá định kỳ.
Cơ quan dự trữ ngũ cốc quốc gia Trung Quốc (Sinograin) thông báo đã giảm được 100 triệu tấn ngô trong năm 2018, khiến giá ngô trở nên cạnh tranh hơn dẫn tới sự sụt giảm các sản phẩm thay thế ngô, đặc biệt là sắn lát.
Đáng chú ý, Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.
Hải quan Trung Quốc hồi tháng 2.1019 đã công bố danh sách 66 đơn vị, nhà máy sản xuất sắn của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này qua các cửa khẩu biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây.
Chưa hết, Trung Quốc từ 1.4.2019 đã giảm thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch thêm 3% từ mức 16% xuống còn 13% khiến cho giá hàng hóa xuất qua khu vực biên mậu trở nên kém cạnh tranh hơn.
Buộc phải lựa chọn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng triển vọng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự lựa chọn của các nhà sản xuất: Chấp nhận rủi ro, tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hay cơ cấu lại hoạt động sản xuất theo hướng giảm diện tích trồng sắn, nâng cấp chất lượng sắn phục vụ ngành chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Trung Quốc đang thực hiện Kế hoạch thúc đẩy mở rộng sản xuất và sử dụng ethanol với mục tiêu sử dụng 10 triệu tấn ethanol E10 vào năm 2020. Kế hoạch này sẽ đẩy nhu cầu sắn tăng gấp đôi.
Đang có lợi thế nhất định cho các nhà sản xuất sắn của Việt Nam chấp nhận rủi ro, tập trung vào việc cung cấp nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất ethanol của Trung Quốc.
Việc đồng Baht tiếp tục tăng giá so với đồng USD đã giúp giá sắn của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với giá sắn Thái Lan trên thị trường Trung Quốc. Song điểm cần lưu ý, Thái Lan vẫn duy trì giá xuất khẩu sắn ổn định.
Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân tháng 4.2019 của Việt Nam đạt 396 USD/tấn, tăng 2,18% so với tháng trước nhưng giảm 5,41% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn tiếp tục tăng nhẹ, đạt 440 USD/tấn, tăng 0,19% so với tháng trước nhưng giảm 9,8% so với cùng kì năm 2018.
Thêm nữa, do cầu sắn lát của thị trường Trung Quốc ảm đạm và nguồn cung dồi dào khi đang trong mùa thu hoạch đã kéo giá xuất khẩu sắn lát bình quân của Việt Nam trong tháng 4.2019 đạt 225 USD/tấn, giảm 2,67% so với cùng kì năm trước.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư