Hủy
Kinh Doanh

Ủy ban Pháp luật Quốc hội thẩm tra dự án luật dân sự sửa đổi

Thứ Hai | 15/09/2014 21:45

Trong phiên họp lần này, Ủy ban Pháp luật thẩm tra, cho ý kiến về các dự án gồm Bộ luật dân sự (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương...
 

Ngày 15/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 17, để thẩm tra một số báo cáo, dự án luật nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa 13 và phiên họp tháng Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong phiên họp lần này, Ủy ban Pháp luật thẩm tra, cho ý kiến về các dự án gồm Bộ luật dân sự (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014.

Do tính chất quan trọng của dự thảo Bộ luật dân sự, Ủy ban Pháp luật đã dành cả ngày 15/9 để thảo luận, cho ý kiến về dự án này.

Tại buổi thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày báo cáo dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). So với dự thảo được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đây thì dự thảo lần này được bổ sung thêm 10 điều, sửa đổi 17 điều, tập trung vào các vấn đề như phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc cơ bản; pháp nhân; quyền tài sản; hình thức sở hữu; trái quyền và trách nhiệm dân sự trong trái quyền; hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất…

Về hình thức sở hữu, theo ông Hà Hùng Cường, dự kiến Bộ Tư pháp sẽ bổ sung phương án hai (đưa ra trước đây) vào trong quy định, cụ thể hình thức sở hữu sẽ bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung (điều 192).

Tại buổi thẩm tra, các đại biểu còn nhiều ý kiến trái chiều về các vấn đề hình thức sở hữu; các loại pháp nhân; tài sản cầm cố, thế chấp; áp dụng tập quán và quy định tương tự…

Theo đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh), đây là Bộ luật đứng đầu hệ thống tư pháp, ảnh hưởng lớn đến xã hội. Khi xây dựng phải đảm bảo các yếu tố kế thừa từ quan hệ dân sự trong lịch sử, để Bộ luật hoàn thiện và sát với thực tế đời sống xã hội.

Cùng quan điểm trên, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho biết đây là Dự án rất quan trọng, nội dung đồ sộ, tác động mạnh và sâu rộng đến đời sống xã hội nên cần phải xem xét thật kỹ, ghi nhận ý kiến đóng góp để hoàn thiện Bộ luật. Ban soạn thảo phải xem xét kỹ những điểm mới trong Hiến pháp năm 2013 để chỉnh sửa cho phù hợp. Hiện có nhiều phương án để trình dự thảo, trong đó có thể trình từng phần hoặc trình toàn bộ dự thảo để cho ý kiến, thông qua.

Phát biểu chỉ đạo buổi thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là Bộ luật lớn, còn rất nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Do đó, Ban soạn thảo cần trình bày với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề lớn, mang tính nguyên tắc. Trong đó, cần phải nêu rõ những điểm mới, sửa đổi những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn đời sống xã hội, nhất là những vấn đề tồn tại trong các tranh chấp dân sự hiện nay. Đồng thời, cần dự báo trước tình hình, đưa vào Bộ luật những điểm phù hợp để có tính bền vững. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tất cả những phần sửa đổi, bổ sung (hoặc những điều loại bỏ) cần phải nêu lý do rõ ràng, đầy đủ, mang tính thuyết phục.

Về lộ trình Dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên trình ra Quốc hội tại 3 kỳ họp để lấy ý kiến rộng rãi, đa chiều. Lần đầu tiên nên trình toàn bộ dự thảo Bộ luật, sau đó lấy ý kiến của nhân dân. Lần trình thứ hai sẽ tập trung thảo luận các vấn đề riêng, từng phần. Lần trình thứ ba sẽ thảo luận những nội dung chính để thông qua.

Dự kiến, phiên họp toàn thể lần thứ 17 của Ủy ban Pháp luật sẽ diễn ra từ 15-18/9.

Nguồn Vietnamplus


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới