Vẽ sớm bức tranh lợi nhuận ngân hàng khi nợ xấu tăng
Nợ xấu “ngốn” lợi nhuận
6 tháng đầu năm, DongA Bank đạt trên 486 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT) trước dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng, nên LNTT còn lại của nhà băng này chỉ ở mức trên 286 tỷ đồng. Kế hoạch LNTT DongA Bank đưa ra cho năm nay cũng chỉ ở mức khiêm tốn 500 tỷ đồng, ngang bằng với mức đạt được của năm 2013. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongA Bank, trước tình hình tín dụng khó khăn, nợ xấu tăng cao, để kỳ vọng lợi nhuận cao là rất khó. Mặc dù kế hoạch lợi nhuận cũng được cân nhắc kỹ trước khi xây dựng, nhưng để đạt được con số này cũng là áp lực không nhỏ.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tại TP. HCM cho biết, áp lực lớn nhất lên ban điều hành là trước mỗi cuộc họp HĐQT đều phải trả lời những vấn đề về việc làm thế nào để đạt được chỉ tiêu kinh doanh đề ra cho năm nay khi thời gian chỉ còn một quý, trong khi lợi nhuận 3 quý đầu năm chỉ mới đạt phân nửa kế hoạch.
Theo vị tổng giám đốc trên, chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng xây dựng cho năm 2014 tương đối phù hợp, thậm chí có phần khiêm tốn so với quy mô vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng. Song chỉ tiêu này cũng không dễ hoàn thành, nhất là khi tín dụng từ đầu năm đến nay chỉ tăng 4%, trong khi nợ xấu có xu hướng tăng (xấp xỉ 4% trong 2 quý đầu năm), đặc biệt nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng tới 23%.
“Nhiều khả năng Ngân hàng sẽ phải cân nhắc việc điều chỉnh chỉ tiêu”, vị Tổng giám đốc này cho biết.
Nằm trong nhóm ngân hàng TMCP quy mô lớn, nhưng 6 tháng đầu năm, LNTT của Eximbank chỉ đạt 663 tỷ đồng. Nguyên nhân một phần do trích lập dự phòng rủi ro cao khi nợ xấu tăng. Lãnh đạo Eximbank cho biết, Ngân hàng đang từng bước củng cố chất lượng tín dụng, ngăn chặn nợ quá hạn, đồng thời đề xuất giảm tỷ lệ trích dự phòng từ 20% xuống còn 8 - 10%.
Năm 2014, kế hoạch lợi nhuận Eximbank đưa ra gần 1.800 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9, lợi nhuận của Ngân hàng ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Ưu tiên dự phòng
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, kế hoạch lợi nhuận 3.000 tỷ đồng trước thuế mà Ngân hàng đưa ra cho năm nay đang được thực hiện đúng theo kế hoạch. 9 tháng đầu năm, LNTT của Sacombank ước đạt trên 2.000 tỷ đồng. Quý còn lại của năm, Sacombank dự kiến đạt gần 1.000 tỷ đồng LNTT. Về nợ xấu, mặc dù có tăng so với đầu năm, song vẫn được Ngân hàng kiểm soát tốt dưới mức 2%. Vì thế, dự phòng rủi ro từ đầu năm đến nay chỉ khoảng 300 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt trên 10%.
6 tháng đầu năm, VPBank đạt trên 734 tỷ đồng LNTT, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Theo lãnh đạo VPBank, khả năng Ngân hàng sẽ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm nay ở mức xấp xỉ 2.000 tỷ đồng trước thuế.
Ở một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn, đến thời điểm hiện tại, không ít nhà băng cho biết đã hoàn thành khoảng 70 -80% kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho cả năm. Một phần, do chỉ tiêu xây dựng ở mức tương đối vừa phải. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Viet Capital Bank cho biết, ước đến cuối tháng 9, LNTT của Ngân hàng đạt khoảng 80% kế hoạch xây dựng cho cả năm 2014 là 200 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng tốt, nên nhà băng này đang có kế hoạch trình xin NHNN tăng room để có dư địa cho vay mùa cuối năm.
Với chỉ tiêu LNTT trên 1.000 tỷ đồng (trên vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng), tổng giám đốc một ngân hàng cho biết khả năng hoàn thành là có thể, song vì nợ xấu có xu hướng tăng, nên ưu tiên trước hết đối với ngân hàng là trích dự phòng rủi ro trước khi nghĩ đến mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng.
Phó tổng giám đốc HDBank, ông Lê Thành Trung cũng cho hay, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng đến thời điểm này đã được khống chế ở ngưỡng 3%. Theo ông Trung, trước tình hình thị trường khó khăn, việc xử lý nợ xấu đòi hỏi ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để tăng dự phòng.
Điều này cũng được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chỉ đạo, các NHTM không chia cổ tức cho cổ đông, nếu chưa trích lập dự phòng đầy đủ. Vì thế, chính sách cổ tức của nhiều nhà băng đưa ra cho năm nay chỉ ở mức 2 - 4%.
Ông Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital đánh giá, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu từ tín dụng, trong khi tăng trưởng tín dụng hiện chưa thể tốt. Đến cuối tháng 9, tín dụng chỉ mới tăng gần 7%. Vì thế, việc một số ngân hàng công bố đã hoàn thành 70 - 80% kế hoạch chủ yếu do chỉ tiêu khiêm tốn. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, điều này cũng cho thấy, lợi nhuận của các ngân hàng đã thực hơn so với trước, vì nợ xấu tăng và trích dự phòng nhiều.
“Khi nợ xấu tăng, lợi nhuận thậm chí sẽ còn âm, nên khó kỳ vọng lợi nhuận cao lúc này”, ông Tuấn nói.
Nguồn Đầu Tư Chứng Khoán
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư