Hủy
Kinh Doanh

Vì sao Tín Nghĩa “đón” được Donafoods?

Thứ Ba | 12/01/2016 13:00

Trong ngành nông nghiệp, Donafoods ví như cô gái đẹp được nhiều người săn đón.
 

Trong thời điểm nhiều doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, khó chào bán cổ phiếu, Công ty Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Đồng Nai (Donafoods) lại được không ít nhà đầu tư săn đón. Sự hấp dẫn của Donafoods đến từ kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng đều, trong lúc nhiều doanh nghiệp ngành điều điêu đứng.

Vì thế, phiên chào bán cổ phần ra ngoài của Donafoods đã có ngay 3 nhà đầu tư tham gia. Sau đó, Tổng Công ty Tín Nghĩa đã nhanh chóng nắm quyền kiểm soát với tỉ lệ mua trên 51%. 2 nhà đầu tư còn lại là cá nhân và có một người liên quan đến Tín Nghĩa.

Donafoods trụ vững

Công ty Donafoods vốn kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư vùng nguyên liệu nông sản, chủ lực là điều. Công ty được thành lập vào năm 1990, tiền thân là Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Nai, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai. Hiện, Donafoods thuộc nhóm công ty thực phẩm có quy mô xuất khẩu lớn tại Đồng Nai, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 44 triệu USD. Doanh thu của Donafoods chủ yếu đến từ các dịch vụ sản xuất, chế biến nhân hạt điều và dầu vỏ điều xuất khẩu.

Trong năm 2013, nhiều doanh nghiệp điều gặp khó khăn, thua lỗ trong xuất khẩu. Donafoods cũng không ngoại lệ, khi giá vốn hàng bán chiếm 90% trên tổng doanh thu. Nguyên nhân khác, Donafoods chỉ tự cung được 50% nguyên liệu đầu vào và phải nhập khẩu đến 12.000 tấn điều từ châu Phi, ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, Công ty nhanh chóng vượt qua khó khăn nhờ giữ được các đơn hàng lớn và quyết liệt cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, từ mức 5% xuống còn 2% trên tổng doanh thu.

Qua năm 2014, khi các doanh nghiệp điều vẫn tiếp tục gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc bán đi, Donafoods vẫn ký được hợp đồng xuất khẩu trên 23 triệu USD và hợp đồng gia công chế biến 5.000 tấn sản phẩm nhân điều các loại cho Công ty MWT (Úc), Công ty Kothari (Singapore), với tổng giá trị gia công trên 500.000 USD. Donafoods vẫn kinh doanh ổn định, dù một doanh nghiệp điều rất lớn là Lafooco phải chấp nhận bán cổ phần cho quỹ đầu tư sau mấy năm điêu đứng liên tục.

Vốn điều lệ của Donafoods trước khi cổ phần hóa là 225 tỉ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 30% vốn điều lệ, người lao động nắm giữ 1,88% vốn điều lệ, nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 34% vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới đầu tư, giá trị thực của Donafoods vào khoảng 350 tỉ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 210 tỉ đồng. Sau khi cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 39% và Tín Nghĩa nắm hơn 51%. Phó Giám đốc Nguyễn Trọng Trí chia sẻ, Donafoods thoái hết vốn nhà nước tại 2 công ty con để tập trung lĩnh vực kinh doanh chính.

Tín Nghĩa thêm lợi thế

Tín Nghĩa mua cổ phần Donafoods thực chất theo chỉ đạo nhằm đẩy mạnh tình hình xuất khẩu của Đồng Nai. Tuy nhiên, Tín Nghĩa cũng nhận được không ít thuận lợi từ động thái này. Trước mắt, Tín Nghĩa giảm được chi phí đầu tư vào ngành điều, có thể xuất khẩu điều, cà phê dễ dàng hơn vào thị trường Mỹ.

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm và củng cố vị thế xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trong cả nước, xuất khẩu 117.000 tấn với kim ngạch 226 triệu USD, Tín Nghĩa đã mở văn phòng đại diện tại Arkansas (Mỹ) vào tháng 8.2015 và liên kết kinh doanh với Công ty Made in USA Works. Sản phẩm của Tín Nghĩa vào thị trường Mỹ dễ dàng hơn, sẽ giúp tận dụng tốt hơn những lợi thế mang lại từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tổng Công ty Tín Nghĩa là doanh nghiệp lớn tại tỉnh Đồng Nai, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, có doanh thu hằng năm xấp xỉ 10.000 tỉ đồng. Sau 26 năm phát triển, từ một doanh nghiệp nhỏ với tài sản chỉ vài chục triệu đồng, Tín Nghĩa đã trở thành Tổng Công ty với tổng tài sản lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Hiện nay, doanh nghiệp này có 8 công ty con và 11 công ty liên doanh liên kết và 5 công ty trực thuộc.

Tín Nghĩa hoạt động trong nhiều lĩnh vực đang được coi là tiềm năng và doanh thu lớn, như đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; kinh doanh xăng, dầu, nhớt, khí đốt; chế biến và kinh doanh hàng nông sản; kinh doanh dịch vụ kho cảng, vận tải đa phương thức và logistics...

Tín Nghĩa còn là một công ty khá nhanh nhạy với xu hướng của thị trường. Thời gian gần đây, khi làn sóng đầu tư từ Nhật vào Việt Nam tăng cao, Tín Nghĩa góp 55% trong tổng vốn đầu tư 772 tỉ đồng, cùng Công ty Cổ phần Forval (Nhật) và Công ty Cổ phần Cảng container Đồng Nai, thành lập Công ty Cổ phần Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản (JSC).

Ở mảng đầu tư khu công nghiệp, Tín Nghĩa hiện trực tiếp quản lý gần 200 nhà đầu tư, tương ứng tổng vốn đầu tư gần 5 tỉ USD. Năm 2014, Tổng Công ty thu hút 24 nhà đầu tư vào khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư trên 250 triệu USD, dẫn đầu về số lượng thu hút các nhà đầu tư trong tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, Tín Nghĩa đã tập trung phát triển ngành nghề kinh doanh dịch vụ kho cảng, vận tải đa phương thức và logistics... Các đầu mối kinh doanh gồm có ICD Biên Hòa, ICD Đồng Nai và cảng sông ở Khu Công nghiệp Biên Hòa I.

Kinh doanh, xuất khẩu cà phê đang đóng góp phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của Tín Nghĩa. Vì thế, thời gian qua, Tổng Công ty đã đầu tư mở rộng vùng trồng cà phê arabica tại Lào, diện tích khoảng 700 ha và đã có một số vườn cà phê bước vào giai đoạn thu hoạch. Theo kế hoạch, Tín Nghĩa sẽ đầu tư trồng khoảng 3.000 ha cà phê tại Lào và xây dựng nhà máy chế biến cà phê nhân theo công nghệ chế biến ướt. Vụ mùa cà phê năm 2015, Tín Nghĩa đã thành lập chi nhánh tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ngoài kinh doanh cà phê xuất khẩu, chi nhánh này còn cung cấp dịch vụ chế biến cà phê, cho thuê kho nội quan, kho ngoại quan.

Dù chịu tác động mạnh trong thời gian dài khủng hoảng, suy giảm kinh tế, năm 2014, Tín Nghĩa đã đạt doanh thu 12.043 tỉ đồng, vượt kế hoạch 77% và lợi nhuận vượt kế hoạch, đạt 121 tỉ đồng.

Mai Hân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới