Hủy
Kinh Doanh

WesternBank và PVFC đề nghị hỗ trợ 37.000 tỷ đồng cho việc hợp nhất

Thứ Hai | 11/03/2013 22:08

Hai bên cũng đề xuất cho áp dụng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc bằng 1/5 quy định, không tính dư nợ đối với Vinashin và Vinalines vào tỷ lệ nợ xấu.
 

Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank) công bố đề án hợp nhất với Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC).

Theo đó, việc hợp nhất PVFC và WesternBank nhằm mục đích giải quyết được tồn tại của WesternBank; Nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động, sức cạnh tranh cho PVFC; Giảm được phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí (PVN) tại PVFC; Giảm đối tượng phải quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và tạo ra một ngân hàng thương mại lành mạnh.
Hợp nhất thành ngân hàng vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng

Về nguyên tắc hợp nhất, theo những điều khoản của Hợp đồng hợp nhất, giá trị sổ sách của PVFC và giá trị sổ sách của WesternBank sẽ được chuyển giao cho ngân hàng hợp nhất và vốn điều lệ của Ngân hàng hợp nhất sẽ bằng vốn điều lệ của PVFC (6.000 tỷ đồng) cộng với vốn điều lệ của WesternBank (3.000 tỷ đồng), thành 9.000 tỷ đồng.

Đồng thời, PVFC và WesternBank sẽ không thực hiện việc chia tách cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu hay làm tăng hay giảm số cổ phiếu, pha loãng giá trị sổ sách cổ phiếu đang lưu hành dưới bất kỳ hình thức nào.

Tình hình tài sản Ngân hàng hợp nhất dự kiếnĐơn vị: tỷ đồng
Tình hình tài sản Ngân hàng hợp nhất dự kiến
Tình hình tài sản Ngân hàng hợp nhất dự kiến

Ngân hàng sau hợp nhất sẽ tiếp nhận và thực thi các quyền của chủ sở hữu đối với toàn bộ tài sản, thương hiệu, hình ảnh, tên gọi, mã chứng khoán, các tài sản sở hữu trí tuệ. Đồng thời, sử dụng tất cả cán bộ nhân viên hiện tại của PVFC và WesternBank và tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động mà đã được ký trước đây.

Đối với việc hợp nhất, ngoại trừ xảy ra những sự cố bất khả kháng, hai bên cam kết không đơn phương hủy bỏ. PVFC là bên thực hiện tái cấu trúc cổ đông của WesternBank nên những cổ đông mới được chọn chính là nhóm cổ đông cam kết gắn bó với Ngân hàng để cùng phát triển.

Quá trình hợp nhất sẽ không ảnh hưởng đến lộ trình giảm vốn của PVN tại PVFC. Đồng thời, quá trình này cũng không làm ảnh hưởng đến giá trị vốn góp cũng như vốn ủy thác đầu tư, cho vay của PVN tại PVFC.
Kiến nghị PVN và NHNN hỗ trợ 37.000 tỷ đồng
Để thực hiện hợp nhất, các bên đã đưa ra các đề xuất với tập đoàn Dầu khí Việt Nam (đơn vị nắm 78% vốn điều lệ PVFC):

Thứ nhất, PVN sẽ tiếp tục hỗ trợ PVFC giải quyết các khó khăn, tồn tại và chuyển đổi mô hình hoạt động an toàn, hiệu quả.

Thứ hai, PVN tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho PVFC để đảm bảo tính thanh khoản và hoạt động ổn định của PVFC.

Thứ ba, PVN chỉ thực hiện giảm vốn theo lộ trình trong điều kiện đảm bảo được sự ổn định và phát triển an toàn của PVFC và ngân hàng hợp nhất sau này. Đồng thời việc giảm vốn của tập đoàn không làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của các cổ đông hiện hữu, các đối tác chiến lược của Ngân hàng.

Thứ tư, để đảm bảo trạng thái an toàn thanh khoản cho tổ chức tín dụng trước khi hợp nhất, đề nghị PVN hỗ trợ trong quá trình làm việc với đối tác và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; đồng thời gửi thêm cho PVFC số tiền 7.000 tỷ đồng với kỳ hạn tối thiểu 6 tháng.

Thứ năm, PVN ban hành Nghị quyết về việc sử dụng dịch vụ và khuyến khích các doanh nghiệp trong tập đoàn ưu tiên sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng của PVFC và của ngân hàng mới sau chuyển đổi. Đồng thời cho phép ngân hàng mới sau hợp nhất được phép cung cấp dịch vụ tài khoản trung tâm của Tập đoàn và cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền đối với các công ty con thuộc Tập đoàn.

Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), PVFC và WesternBank cũng đưa ra một số đề xuất:

Thứ nhất, đề nghị NHNN hỗ trợ hai tổ chức tín dụng tham gia hợp nhất và Ngân hàng sau hợp nhất trong công tác định hướng dư luận, định hướng thông tin để người dân và khách hàng của Ngân hàng tin tưởng vào sự thành công và phát triển ổn định của tổ chức tín dụng.

Thứ hai, NHNN hỗ trợ cho vay từ nguồn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại khoảng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản cho Ngân hàng hợp nhất, đồng thời tạo nguồn vốn để Ngân hàng có thể phát triển mảng tài trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu. Lãi suất cho vay từ nguồn tái cấp vồn này thấp hơn lãi suất huy động khoảng 6% để hỗ trợ Ngân hàng hợp nhất bù đắp các chi phí trực tiếp và chi phí cơ hội phát sinh trong quá trình hợp nhất, thời hạn vay khoảng 3-5 năm.

Thứ ba, cho phép Ngân hàng hợp nhất được duy trì dự trữ bắt buộc 50% bằng tiền mặt, 50% bằng các giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Bộ Tài chính. Việc duy trì dự trữ bắt buộc bằng trái phiếu chính phủ cho phép Ngân hàng dùng tiền mặt để đầu tư vào các sản phẩm có tính thanh khoản cao, rủi ro thấp nhằm giúp Ngân hàng sớm khắc phục khoản lỗ phát sinh trước khi tái cơ cấu.

Đồng thời, cho phép Ngân hàng sau hợp nhất được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong vòng 5 năm kể từ thời điểm hợp nhất, theo đó NHNN cho phép áp dụng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc bằng 1/5 so với quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ.

Thứ tư, do đặc trưng của PVFC có mạng lưới kinh doanh hạn chế trong khi WesternBank mới chỉ triển khai được mạng lưới bán lẻ ở một số địa phương nên để ngân hàng hợp nhất có thể phát triển bền vững, đề nghị NHNN hỗ trợ cho phép ngân hàng hợp nhất ưu tiên mở rộng mạng lưới bán lẻ: trung bình được mở từ 20-25 chi nhánh/1 năm trong vòng 3 năm kể từ ngày hợp nhất.

Thứ năm, đề nghị NHNN cho phép không tính dư nợ đối với Vinashin và Vinalines vào tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng hợp nhất, đề ngân hàng hợp nhất có đủ điều kiện và thời gian tiến hành khắc phục theo lộ trình. Tại thời điểm 31/5/2013, dư nợ (gốc) của nhóm khách hàng Vinashin và Vinalines tạ PVFC là 2.813 tỷ đồng.

Đồng thời, đề nghị NHNN không tính chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế so với vốn chủ sở hữu bình quân cũng như dư nợ của Vinashin và Vinalines trong khi thực hiện xếp loại tổ chức tín dụng và xét duyệt mở chi nhánh.

Thứ sáu, trình NHNN kiến nghị Bộ Tài chính xem xét chấp thuận cho Ngân hàng hợp nhất được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm sau khi hợp nhất và giảm 50% theo mức thuế hiện hành trong hai năm tiếp theo để giúp Ngân hàng hợp nhất tích lũy vốn sau khi tái cơ cấu.
Thứ bảy, đề xuất NHNN cho phép Ngân hàng hợp nhất duy trì hoạt động của công ty con hiện có của 2 TCTD hợp nhất. Cho phép ngân hàng hợp nhất thành lập Công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm và tiếp nhận Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI), Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư tài chính Dầu khí (PVFC Capital) làm công ty con.

Thứ tám, đối với khoản trích lập dự phòng của WesternBank theo Kết luận Thanh tra, đề xuất trích lập số tiền 559 tỷ đồng theo một lộ trình phù hợp nhằm đảm bảo tính ổn định trong hoạt động của Ngân hàng hợp nhất.

Thứ chín, trong vòng 5 năm sau khi tái cơ cấu, cho phép Ngân hàng được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ của NHNN và Chính phủ cho các dự án cho vay các doanh nghiệp đặc thù, hộ dân cư, các dự án cho vay nhà ở, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ các doanh nghiệp… trong từng thời kỳ bằng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, NHNN hoặc của các tổ chức quốc tế giải ngân thông qua Bộ Tài chính, NHNN hoặc các TCTD đầu mối.

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới