Tái chế lịch cũ
Các bạn tại Trung tâm Vì Ngày Mai đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm từ lịch tái chế. Ảnh: TL
Sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đã thải ra môi trường một số lượng lớn lịch cũ, để những tấm lịch này có thêm một vòng đời tái sinh và giảm phát thải ra môi trường, chị Hoàng Thị Yến (30 tuổi) hiện đang sinh sống tại Hà Nội đã vận động tổ chức thu gom lịch cũ và chuyển đến các trung tâm dành cho người khuyết tật để tạo ra sản phẩm mới.
Bước đầu tái sinh
Từ năm 2011, chị Yến đã tham gia Câu lạc bộ Vì Cộng Đồng, đây cũng chính là cái nôi nuôi dưỡng ý tưởng và giúp chị có thêm những kinh nghiệm cũng như động lực để làm những công tác xã hội. Đến nay, Câu lạc bộ vẫn đang hoạt động dù không còn được mạnh như trước nhưng các anh chị tại đây từ những ngày đầu thành lập vẫn luôn nhiệt huyết, “đó cũng chính là một ngọn lửa giúp cho mình luôn có khí thế làm những hoạt động xã hội”, chị Yến nói. Hằng năm chị cùng với những người bạn, hội nhóm khác, như Quỹ Trái Tim Yêu Thương tham gia, tổ chức những chương trình như tặng quà cho các bạn nhỏ tại viện Nhi, các em nhỏ được nuôi tại chùa Thiên Hương, lên các vùng cao tặng quà bà con, hộ nghèo (Hà Giang), xây bếp ăn tặng em nhỏ mầm non (Yên Bái)… Tất cả đều là nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của mọi người mới có sự may mắn được cùng triển khai, tham gia các hoạt động vô cùng ý nghĩa đó.
Xuất phát điểm là một nhân viên văn phòng, chị đã tham gia hoạt động thu gom lịch cũ đến nay cũng được 3 năm, ý tưởng của chị được tiếp nối từ những hoạt động thu gom lịch cũ của một số tổ chức trước đây, tuy nhiên khi đến một thời điểm các tổ chức đó dừng thu gom do đầu ra không có, do kinh tế xã hội phát triển người khiếm thị có nhiều phương tiện để tiếp cận hơn như sách nói, nên việc dùng sách chữ nổi đã giảm đi nhiều. Chị Yến bày tỏ: “Mình nhận thấy số lượng lịch cũ ở các văn phòng bỏ đi là rất nhiều, việc này đã thải ra một lượng rác lớn và đồng thời cũng khá phí phạm vì giấy làm lịch khá dày dặn. Vì những việc nhỏ đó nên mình đã suy nghĩ và hành động tìm kiếm một đầu ra hữu ích hơn cho những cuốn lịch cũ này”.
Chị đã liên hệ khắp nơi để tìm điểm đến cho những tấm lịch cũ, Chị đã kết nối được với Trung tâm Vì Ngày Mai, đây là trung tâm dạy nghề, tổ chức sản xuất, chăm sóc sức khỏe cho nhiều thanh thiếu niên khuyết tật. Tại đây, sử dụng hầu hết tất cả các nguyên liệu từ lịch cũ và không phân biệt khổ giấy và chất liệu. Và đây là đầu ra lý tưởng cho những cuốn lịch cũ mà chị Yến đã thu gom, “Lịch cũ có thể được trung tâm tái sử dụng, cắt dùng trực tiếp làm thành những món đồ thủ công hoặc qua một số khâu sơ chế để tạo thành nguyên liệu cho sản phẩm, ví dụ như tạo bột giấy”, chị Yến nói.
Chị may mắn có được sự đồng hành của các cộng sự, các bạn bè xung quanh, và đằng sau đó là sự hỗ trợ của các anh chị em đồng nghiệp ở công ty cũ và công ty mới. “Đây là nguồn lực hỗ trợ mình rất nhiều và nhờ có mọi người mới có được sự thành công của những năm trước và lan tỏa rộng hơn như ngày hôm nay”, chị nói.
Sản phẩm làm từ giấy lịch. Ảnh: TL |
Tập kết thu gom lịch cũ là một chuyện, khâu vận chuyển mới là điều khó khăn cho chị Yến, từ điểm thu gom cho đến điểm nhận là một quãng đường khó khăn, do tất cả chị hoạt động 100% là cá nhân không có tổ chức hay bên nào hỗ trợ. Nhưng con số ấn tượng và những nỗ lực của chị được thể hiện qua năm 2022 chị đã thu gom được khoảng 5.000 cuốn lịch để chuyển đến Trung tâm Vì Ngày Mai.
Hoạt động này chị không chỉ ở Hà Nội mà còn lan rộng ra các tỉnh thành khác. Vì lý do lịch khá nặng và chi phí vận chuyển cũng khá cao, nên chị đã kết nối ở một số tỉnh thành khác để gửi đến trung tâm tại địa điểm đó, ví dụ như Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng tại Thành phố Thủ Đức, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.
Cải thiện môi trường
Tại Trung Tâm Vì Ngày Mai, sử dụng trực tiếp những quyển lịch đủ điều kiện để làm sản phẩm (độ dày, độ dài, màu sắc...) hoặc ngâm giấy lấy bột để làm các sản phẩm khác. Ở lớp học Hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, sự dụng lịch cũ để làm bao lì xì. Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng (TP.HCM) sử dụng để làm sách chữ nổi cho học sinh.
Qua những bàn tay kỳ công tỉ mỉ, từ những sản phẩm lịch cũ các bạn đã cho ra những sản phẩm thủ công đẹp mắt: từ lọ hoa, hình thú vật, tạo ra tranh... tất cả đều làm bằng thủ công tại Trung tâm Vì Ngày Mai. Điều ý nghĩa lớn hơn là đã tạo ra giá trị, giúp các bạn tại trung tâm có thêm việc làm và thu nhập, và đã có những đơn hàng được đặt đi quốc tế.
Những việc làm ý nghĩa của chị Yến đã giảm đi bớt phần nào gánh nặng cho môi trường, giúp cho những tấm lịch có vòng đời tái sinh thêm lần nữa. Chất thải giấy chiếm gần một phần ba tổng lượng chất thải rắn được tạo ra trên toàn cầu. Tuy vậy, đây lại là loại rác thải có thời gian phân hủy ngắn nhất. Theo Báo cáo Kiểm toán nhãn hiệu giai đoạn 2018-2020 của Liên minh Không rác Việt Nam, chỉ có khoảng 1% rác thải giấy tại nước ta được thu gom để tái chế. Chị Yến nói: “Hãy cứ bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất như những cuốn lịch ngay bên bàn làm việc của mình. Nó sẽ tạo thành 1 thói quen tốt và là 1 sự thay đổi lớn cho môi trường”, chị nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Thanh Hằng
-
An Hạ