Hủy
Bảo vệ - Bảo tồn

Gạch sinh học từ xơ mướp

Kim Thùy Thứ Bảy | 15/08/2020 08:00

Ảnh: medium.com.

 
 
Xơ mướp không chỉ trở thành các vật dụng hữu ích mà còn mở ra hướng đi mới cho vật liệu xây dựng.

Giá trị của xơ mướp đang tăng lên cùng với xu hướng tẩy chay nhựa trên toàn cầu. Gần đây, sự nổi lên của vật liệu gạch sinh học từ xơ mướp đã giúp phụ phẩm này nhanh chóng được cả thế giới săn lùng trong cuộc đua tạo ra vật liệu xây dựng xanh.

Từ lâu, mướp là một loại trái quen thuộc dùng trong bữa cơm hằng ngày của người Việt. Người dùng chủ yếu ăn trái non, còn phần xơ thường ít được quan tâm. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, thu nhập từ 1 sào mướp hương bán trái thường dao dộng trung bình từ 12-15 triệu đồng mỗi vụ. Ưu điểm quan trọng của cây mướp là phát triển nhanh, từ lúc trồng đến thu hoạch mất khoảng 45 ngày và ít tốn công chăm sóc.

 

Với đặc tính kháng khuẩn, kết cấu sợi đan xen tự nhiên, bền chắc, xơ mướp  thích hợp để làm ra rất nhiều sản phẩm phục vụ cho đời sống hằng ngày, cũng như làm ra các sản phẩm mỹ nghệ có tính ứng dụng cao. “Các sản phẩm tiêu dùng quen thuộc như cây chà lưng, bông tắm, miếng rửa mặt và đồ gia dụng là những sản phẩm có thị trường lớn mang lại doanh thu gần 1 tỉ đồng/năm cho xơ mướp Vi Lâm”, anh Mạc Như Nhân, người sáng lập thương hiệu Xơ mướp Vi Lâm, chia sẻ.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây, các nhà nghiên cứu tại Trường Thiết kế và Sáng tạo Ấn Độ ở Mumbai đã tạo ra một loại gạch phân hủy sinh học gọi là Green Charcoal, được làm từ than củi, đất, xi măng và xơ mướp để thay thế cho bê tông. Loại gạch thân thiên môi trường này có thể làm giảm tới 90% lượng cốt liệu thô được sử dụng so với bê tông tiêu chuẩn - một lợi thế quan trọng trong bối cảnh cát, vật liệu được khai thác nhiều nhất trên thế giới, ngày càng khan hiếm.

“Trong gạch Green Charcoal, xơ mướp sẽ thay thế cốt thép kim loại có trong bê tông cốt thép tiêu chuẩn, cung cấp cường độ, tính linh hoạt phù hợp và đảm bảo độ xốp cao hơn bê tông tiêu chuẩn gấp 20 lần nhờ các lỗ thông khí có tự nhiên trong xơ mướp. Các “túi khí” này giúp giữ nước và nuôi dưỡng sinh vật, làm giảm nhiệt độ của gạch và do đó làm nội thất mát hơn”, ông Shreyas More, đứng đầu dự án nghiên cứu gạch Green Charcoal, chia sẻ.

Than là một thành phần được sử dụng với số lượng nhỏ trên bề mặt của gạch Green Charcoal để làm sạch không khí bằng cách hấp thụ nitrat - một siêu thực phẩm nuôi dưỡng cây trồng có ở trong gạch, thể hiện một mối liên kết mạnh mẽ giữa con người và thiên nhiên. Nếu mặt tiền của các tòa nhà, tường ghép và dải phân cách đều dùng gạch xơ mướp, chúng sẽ không chỉ làm sạch không khí, kiểm soát nhiệt độ mà còn truyền cảm hứng xây dựng những cộng đồng xã hội tích cực. “Kiểu kiến trúc thở mới này đảm bảo tăng tính đa dạng sinh học trong các thành phố và cung cấp những giải pháp thay thế lành mạnh cho việc xây dựng đô thị” ông Shreyas More cho biết thêm.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, Việt Nam hiện có 833 đô thị, dự kiến đến năm 2025 sẽ có thêm ít nhất 1.000 đô thị nữa. Việc phát triển dòng vật liệu thân thiện môi trường sẽ là một giải pháp tốt vừa giúp sử dụng từ 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp, vừa tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp.

 

Gạch Green Charcoal đã mang đến một lựa chọn xanh trong bối cảnh gạch nung truyền thống đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Theo thống kê từ Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, cứ 1 tỉ viên gạch nung truyền thống sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất, tương đương 75 ha đất nông nghiệp. Đồng thời, quá trình này phải tiêu thụ 142,8 triệu tấn than nung và thải ra môi trường gần 548 triệu tấn CO2 (số liệu tổng hợp từ Hội thảo khoa học “Vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường” ngày 2.7.2020, Hà Nội).

“Sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh môi trường ngày càng ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt”, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết. Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách, nghị định nhằm khuyến khích phát triển các loại vật liệu thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, gạch sinh học từ xơ mướp vẫn chưa thể phát triển thương mại một cách rộng rãi vì nguồn cung chưa ổn định và tính bền của vật liệu vẫn thiếu thời gian để làm quen với thị trường Việt Nam.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới