Chuỗi khách sạn Mỹ tăng tốc mở rộng tại châu Á
Đến tháng 6/2024, Hyatt đã có 166 khách sạn tại Trung Quốc và 130 khách sạn ở các thị trường khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Nikkei Asia.
Hyatt Hotels đang đẩy mạnh mở rộng mạng lưới tại châu Á với kế hoạch triển khai hơn 200 khách sạn trong vòng 5-8 năm tới. Ông Mark Hoplamazian, Chủ tịch kiêm CEO, cho biết động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ nhóm du khách trẻ và giàu có tại khu vực.
Trong một cuộc phỏng vấn tại Singapore, ông Hoplamazian cho biết kế hoạch này sẽ nâng tổng số khách sạn của Hyatt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên hơn 500, tăng 67% so với con số hiện tại là hơn 300 khách sạn, bao gồm các thương hiệu như Grand Hyatt, Park Hyatt và Andaz. “Đây là tỉ lệ tăng trưởng khách sạn cao nhất của chúng tôi trên toàn cầu. Thị trường này rất quan trọng cho sự phát triển trong tương lai của tập đoàn”, ông Hoplamazian chia sẻ, vượt xa mức tăng trung bình toàn cầu là 40%.
Hoạt động của Hyatt hiện tập trung chủ yếu tại Mỹ, chiếm khoảng 80% trong tổng doanh thu 6,66 tỉ USD của tập đoàn năm ngoái. Đến tháng 6/2024, Hyatt đã có 166 khách sạn tại Trung Quốc và 130 khách sạn ở các thị trường khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phân khúc "khách sạn phong cách sống" (lifestyle), nằm giữa các dòng khách sạn sang trọng và các thương hiệu cao cấp của Hyatt, đang là mảng phát triển nhanh nhất nhờ nhu cầu từ giới trẻ giàu có. Hyatt đã mua lại tập đoàn Standard International từ nhà phát triển Thái Lan Sansiri với giá 335 triệu USD, bao gồm 22 khách sạn và hơn 30 dự án tương lai. Dự kiến, sẽ có thêm 25-30 khách sạn Standard được mở tại châu Á trong 5-6 năm tới, tập trung ở các thành phố lớn như Hong Kong, Jakarta và Tokyo.
Theo ông Kuraudo Ohashi, Trưởng bộ phận tư vấn khách sạn tại công ty dịch vụ bất động sản JLL Tokyo, khách sạn phong cách sống thu hút nhiều phân khúc khách hàng và tạo lợi nhuận cao nhờ vào dịch vụ ăn uống đa dạng, thiết kế không gian hiệu quả và giá phòng trung bình cao. Hyatt hiện sở hữu hơn 10 thương hiệu khách sạn phong cách sống, tương đương với các đối thủ lớn như Accor và Marriott International. Trong khi đó, Hilton Worldwide và InterContinental Hotels Group (IHG) chọn hướng đi tập trung với số thương hiệu ít hơn.
Ngày 16/10, Hyatt công bố hợp tác với Tập đoàn China Resources Land để phát triển và quản lý các khách sạn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tăng trưởng ở thị trường này chậm hơn do chính sách zero-COVID, suy thoái bất động sản và nhu cầu nội địa yếu. Quý II vừa qua, doanh thu phòng khách sạn của Hyatt tại Trung Quốc đạt 86,34 USD mỗi phòng, tương đương 60% mức trung bình toàn cầu và là khu vực duy nhất ghi nhận mức giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các thị trường khác của châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận tăng trưởng cao nhất với doanh thu trung bình 130,85 USD mỗi phòng.
Dù thị trường khó khăn, ông Hoplamazian cho biết chiến lược của Hyatt tại Trung Quốc không thay đổi, nhấn mạnh khủng hoảng bất động sản chủ yếu ảnh hưởng phân khúc nhà ở, không ảnh hưởng đến khách sạn. "Thị trường khách sạn ở Trung Quốc vẫn thiếu cung”, ông nhận định.
Tại Nhật Bản, điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, Hyatt dự kiến khai trương thương hiệu ryokan, quán trọ truyền thống Nhật Bản, vào năm 2026 qua một liên doanh. Kế hoạch ban đầu là ba ryokan tại Oita, Hakone và Yakushima, và đang cân nhắc mở thêm một địa điểm tại Hokkaido.
Khi nhu cầu du lịch dần trở lại mức trước đại dịch và tiếp tục tăng, các tập đoàn khách sạn như Marriott, Hilton, IHG và Accor cũng tăng tốc mở rộng tại châu Á - Thái Bình Dương ở nhiều phân khúc. Ông Hoplamazian cho biết Hyatt sẽ duy trì tập trung vào các phân khúc sang trọng và phong cách sống, không đặt mục tiêu trở thành tập đoàn khách sạn lớn nhất hay mở rộng vào phân khúc khách sạn tầm trung. "Chúng tôi không cố gắng phủ sóng toàn bộ thị trường. Mục tiêu của chúng tôi không phải là trở thành tập đoàn lớn nhất", ông nói.
Có thể bạn quan tâm:
Thị trường tài chính châu Á trước cuộc đua Harris - Trump
Nguồn Nikkei Asia
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Thanh Hằng
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thanh Hằng